Các nhà khoa học phát hiện hai siêu Trái Đất có thể sinh sống bay xung quanh một ngôi sao giống Mặt Trời, cách chúng ta 12 năm ánh sáng.

Ngôi sao Tau Ceti và các hành tinh của nó khi so sánh với hệ Mặt Trời. Ảnh: Fabo Feng.
Ngôi sao Tau Ceti và các hành tinh của nó khi so sánh với hệ Mặt Trời. Ảnh: Fabo Feng.

Các nhà khoa học tại Đại học Hertfordshire, Anh, phát hiện 4 hành tinh bay quanh Tau Ceti, ngôi sao giống Mặt Trời nằm gần Trái Đất nhất, cách chúng ta 12 năm ánh sáng, theo Sky News. Trong số những hành tinh mới này có hai "siêu Trái Đất" nằm ở vùng sinh sống được xung quanh ngôi sao, không quá nóng cũng không quá lạnh. Do đó, nước lỏng có thể tồn tại trên bề mặt của chúng. Kết quả nghiên cứu được công bố trên thư viện trực tuyến của Đại học Cornel, Mỹ, hôm 7/8.

Nhóm nghiên cứu thực hiện khám phá của mình nhờ hiệu ứng rung lắc của ngôi sao Tau Ceti do quá trình tương tác hấp dẫn của nó với các hành tinh bay xung quanh. "Phát hiện của chúng tôi về sự rung lắc nhẹ của ngôi sao là cột mốc quan trọng trong việc tìm kiếm các hành tinh giống với Trái Đất", Fabo Feng, thành viên chính của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Ngôi sao Tau Ceti có kích thước, độ sáng tương tự Mặt Trời và có nhiều hành tinh bay xung quanh. Các nhà khoa học hy vọng, hình ảnh trực tiếp của hai siêu Trái Đất nằm phía bên ngoài trong số 4 hành tinh mới phát hiện sẽ cho thấy chúng là hành tinh đá và sinh sống được.

Nhưng nhóm nghiên cứu thừa nhận rằng, một đĩa lớn chứa vô số mảnh thiên thạch bay xung quanh ngôi sao có thể bắn phá các hành tinh bằng sao chổi và tiểu hành tinh, làm giảm khả năng sinh sống trên chúng.

"Chúng tôi đang dần học cách nhận biết sự khác biệt giữa hiện tượng rung lắc của ngôi sao gây ra bởi các hành tinh và do hoạt động bề mặt của nó. Điều này cho phép chúng tôi xác định sự tồn tại của hai hành tinh nằm phía bên ngoài, có thể sinh sống được, trong hệ thống sao Tau Ceti", Mikko Tuomi, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.