Nhân sự kiện lần đầu Việt Nam có hai trường là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội có tên trong bảng xếp hạng World University Rankings 2019 do tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố, Khoa học và Phát triển đã mời lãnh đạo/đại diện của mỗi đơn vị chia sẻ về chiến lược để đạt tới vị trí này trong bảng xếp hạng.

Trong bảng xếp hạng thế giới mới nhất của QS, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM)nằm trong nhóm từ701-705,thể hiện phần nàokết quả của quá trình chuẩn bị dài hơi của trường.

Hơn 20 năm qua, ngay từ những ngày đầu thành lập, ĐHQG-HCM đã có chiến lược về công tác đảm bảo chất lượng. Cụ thể, năm 1999, ĐHQG-HCM đã thành lập Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng, đồng thời triển khai các chủ trương lớn về đảm bảo chất lượng. Trong đó, có ba bước lớn về đảm bảo chất lượng, bao gồm đảm bảo chất lượng về chương trình đào tạo, mà cụ thể là áp dụng học chế tín chỉ và công nghệ đào tạo tiên tiến CDIO (viết tắt của các từ Conceive – Hình thành ý tưởng, Design –Thiết kế, Implement – Triển khai/Thực thi, Operate – Vận hành)của các trường đại học hàng đầu thế giới; xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cũng như tham gia công tác đánh giá, kiểm định chất lượng quốc tế và trong nước;vàtrên cơ sở đó, chủ động tham gia xếp hạng đại học thế giới.

Nghiên cứu viên làm thực nghiệm tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc (Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM). Ảnh: ĐHQGHCM

Trước đây, ĐHQG-HCM đã được các tổ chứcgiáo dục quốc tế xếp hạng nhưng thứ hạng không cao. Có một số tiêu chí trường thực hiện nhưng QS không cho điểm, vì vậy, năm nay, ĐHQG-HCM chủ động gửi thông tin cho QS căn cứ trên các tiêu chí của họ. Sau đó, QS tự kiểm tra, thẩm định và đánh giá.

Tuy thứ hạng còn khiêm tốn nếu so sánh với các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á, nhưng đây là sự ghi nhận công bằng cho những cố gắng, nỗ lực và chứng tỏ sự đúng đắn trong phương hướng hoạt động của ĐHQG-HCM.

Các nước đã cũng như đang phát triển rất quan tâm đến tính cạnh tranh về kinh tế, chính trị, văn hóa và đương nhiên có cả giáo dục mà việc có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế là một tham khảo có giá trị. ỞHoa Kỳ, người ta tiếp tục tăng cường hơn nữa những ưu thế (advantages) của các đại học tầm thế giới (World Class Universities);các nguồn tài chính cho các trường đại học lớn tiếp tục tăng.

Ở Nhật Bản, từ năm 2014 đã có Đề án các trường đại học hàng đầu thế giới (Top Global University Project, trong đó 37 trường được chọn lựa để tập trung phát triển). ỞĐức, từ năm 2004 đã có Đề án cho các trường xuất sắc (Project for Excellent Universities); năm 2015, Đức đã chi 1,9 tỷ euro cho các trường đại học tốt nhất của họ. Nước Nga có Đề án 5-100 nhằm tăng cường tính cạnh tranh của các trường đại học hàng đầu của mình với các trung tâm đào tạo và nghiên cứu toàn cầu.

Ở Trung Quốc, ngay từ năm 1995 đã có Đề án 211 (211 Project), hỗ trợ hơn 110 trường đại học tăng cường tính cạnh tranh trong thế kỷ 21; năm 1998 có Đề án 985 (985 Project) hỗ trợ cho 39 trường đại học hàng đầu của đất nước; và từ năm 2012, bắt đầu Đề án 2011 (2011 Project) nhằm phát triển năng lực nghiên cứu cho 38 trường đại học.

Vì vậy, tuy còn nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, thậm chí có thể còn có những băn khoăn nhất định, song công tác tham gia xếp hạng và phấn đấu, nỗ lực đạt được thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng thế giới cần phảitrở thành một trong nhữngnhiệm vụ của các đại học hàng đầu của đất nước chúng ta.

Cần nhớ rằng, chất lượng giáo dục đại học được bảo đảm ởcả 3 cấp: cấp chương trình đào tạo, cấp cơ sở đào tạo, và cấp xếp hạng quốc tế. Ngành giáo dục đại học Việt Nam đã từng bước tham gia hai cấp đầu với các tổ chức quốc tế, do vậy xu hướng tham gia xếp hạng quốc tế cũng là xu hướng đương nhiên.