Sinh vật biển đang “chạy trốn” về phía hai cực của Trái đất để tránh nhiệt độ nước biển tăng ở gần xích đạo, theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Current Biology vào cuối tháng 3.
Các nhà khoa học tại Đại học Bristol và Đại học Exeter (Anh) khám phá ra điều này sau khi xem xét dữ liệu của hơn 300 loài động vật, chim và thực vật sống ở các đại dương trên thế giới trong hơn một thế kỷ.
Họ phát hiện nhiệt độ nước biển tăng làm thay đổi quy mô cũng như sự phân bố của các quần thể sinh vật biển trên diện rộng. Ví dụ, mật độ cá trích Đại Tây Dương ngày càng tăng về phía cực nhưng giảm xuống ở khu vực gần xích đạo.
“Chúng tôi tìm thấy xu hướng tương tự đối với tất cả các nhóm sinh vật biển mà chúng tôi khảo sát, từ sinh vật phù du cho đến động vật không xương sống, từ cá cho đến chim biển”, Martin Genner, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Một số loài sinh vật biển dường như hưởng lợi từ sự thay đổi khí hậu, vì nhiệt độ tăng giúp chúng sống được ở những nơi lạnh giá mà trước đó không thể tiếp cận. Trong khi đó, một số sinh vật biển chịu thiệt hại do không kịp thích nghi với môi trường ấm lên.
Quốc Hùng (Theo Independent)