Ngày 27 và 28.10 tới, vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 4 do Trung tâm BSA tổ chức, Báo Khoa Học và Phát Triển dự thính cuộc họp chuẩn bị cho vòng thi này và phát hiện những bí mật rất thú vị của những người khởi nghiệp rất... lạ.

Tuyên bố sứ mệnh của món “chẩm chéo”

34 dự án đến từ 19 tỉnh thành: An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tp.HCM, Ninh Thuận, Kontum, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Kạn, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Nghệ An. Cùng với sự đa dạng về văn hóa, sản phẩm bản địa đến từ những thí sinh người dân tộc thiểu số: Hoa, Xê Đăng, Churu, K’Ho, Nùng, Thái, Cờ Lao, Pu Péo, H’Mông, trong đó, có 17 dự án cá nhân, 16 dự án nhóm và 1 nhóm ý tưởng.

Nổi bật nhất bằng sự mộc mạc, núi rừng nhưng lại rất “ngầu” về sứ mệnh kinh doanh, là nhóm “chẩm chéo” đến từ Tây Bắc. Họ bắt đầu hồ sơ dự thi của mình bằng những lời thơ của Tây Bắc Hành: “Về Tây Bắc khi mùa xuân vừa tới; Ngắm hoa ban nở trắng cả lưng đồi; Lửa bập bùng giữa rừng đêm mở hội Điệu múa xòe ai uốn lượn, lả lơi...; Về Tây Bắc nơi rừng thương, núi nhớ, Rượu cần say như tình thuở ban đầu, Tuy xa lắm nhưng không hề cách trở, Như tấm lòng đôi lứa đã yêu sâu!”.

Và giữa những bông hoa ban, người ta bắt đầu bán... đồ ăn. “Nhắc đến ẩm thực của đồng bào Thái ở vùng núi Tây Bắc, không thể không nhắc đến những món nước chấm lạ, hấp dẫn và mang nét đặc trưng rất riêng nơi đây. Có thể kể đến một số loại như tương, mắm ớt, chẩm chéo,... Trong đó, loại đặc sản đóng vai trò linh hồn trong ẩm thực Tây Bắc, đặc biệt là ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái đó là chẩm chéo. Chẩm chéo tuy chỉ là một loại gia vị nhưng nó có ý nghĩa quan trọng. Bát chẩm chéo trong văn hóa của đồng bào Thái đại diện cho chính gia chủ của bữa ăn mời khách. Trong bữa cơm mời khách, bát chẩm chéo được đặt lên mâm đầu tiên thể hiện lời mời dùng bữa, sự hiếu khách của gia chủ. Do đó, không hề khoa trương khi nói bát chẩm chéo trong mâm cơm đãi khách thể hiện tấm lòng của người chủ nhà.

Đồng bào dân tộc Thái biết tận dụng thế mạnh của gia vị sao cho nổi dậy vị của nguyên bản của món ăn. Một nét độc đáo trong các món ăn của dân tộc Thái là khi chế biến những món ăn, người Thái hoàn toàn không dùng dầu mỡ và rất chú trọng tới việc điều phối các vị đắng - cay - mặn - chát. Những vị này được phối hợp hài hòa khiến thực khách cảm thấy vừa miệng, không có cảm giác ngấy, ngán khi ăn những món nướng, luộc, hấp, hun khói,...”.

Và với câu chuyện như vậy, một doanh nghiệp khởi nghiệp mang tên Taidam Taste đã ra đời với sứ mệnh truyền bá hương vị ẩm thực của đồng bào Thái Tây Bắc. Họ mong muốn trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực thực phẩm đậm đà hượng vị dân tộc Thái Tây Bắc thông qua dịch vụ thân thiện, hương vị hấp dẫn, nguyên liệu an toàn và hệ thống mạng lưới rộng khắp. Khác với những dự án miền núi thường mộc mạc chân phương, nhóm này đưa ra rõ tầm nhìn: Đến năm 2023, có mạng lưới tiêu thụ sản phẩm khắp các thành phố lớn tại Việt Nam; Đến năm 2028, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP.

Đến câu lạc bộ Thắt lá dừa

Một sự thu hút khác đến từ một nhóm có vẻ “biết làm ăn”, vì là một câu lạc bộ đã “nương nhau mà sống, học mỗi ngày để phát triển. Đó là chuyện của những người muốn thay thế đồ trang trí bằng nhựa gây ô nhiễm môi trường bằng các phụ phẩm nông nghiệp và tạo ra việc làm cho người nông nhàn, người khuyết tật.

Một số sản phẩm của Câu lạc bộ Thắt lá dừa

Câu lạc bộ được hình thành năm 2015 trong dịp Lễ hội Dừa 2015 nhằm hướng dẫn và phục vụ du khách đến với Lễ hội. Hiện nay đã có trên 20 thành viên gồm các anh chị khéo léo có đam mê tạo hình các sản phẩm từ dừa và muốn lưu giữ và phát triển những nét đẹp truyền thống của Bến Tre. Những sản phẩm của CLB gồm: tạo ra những sản phẩm trang trí các sự kiện, lễ hội, tiệc cưới hỏi,....Những sản phẩm lưu niệm từ lá, hoa, .. khô để tạo ra các sản phẩm có thể lưu niệm cho du khách.

Những chàng trai, cô gái Bến Tre này tin rằng, họ đang tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú tại địa phương, giải quyết việc làm cho hộ nghèo, học sinh khó khăn, người khuyết tật giúp tăng thu nhập cho người dân vùng dự án, cũng đồng thời tăng giá trị của cây dừa, cây dừa nước và cây dứa gai, tạo tính phong phú cho các sản phẩm lưu niệm phục vụ cho du lịch tỉnh nhà. Và sản phẩm của họ thì rất đẹp.

Cô gái Cà Mau chế máy lọc nước biển

Lê Kiều Phượng, 21 tuổi, từ Cà Mau lặn lội lên Đà Lạt để học ngành Môi trường và Tài Nguyên - trường Đại học Đà Lạt. Cô mang công trình nghiên cứu của mình mang tên máy lọc nước biển thông minh đi thi, kèm theo kế hoạch mở công ty, phát triển kinh doanh khá bài bản: “Thị trường mà chúng tôi hướng đến là tỉnh Ninh Thuận địa điểm giáp ranh với Đà Lạt nơi mà chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu chế tạo máy dự kiến là sẽ lập nhà xưởng sản xuất. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hiện tại Ninh Thuận có khoảng 2.660 tàu cá đánh bắt xa bờ, các tàu cá này vẫn đang sử dụng nước sạch mang theo từ đất liền và từ máy lọc nước RO”.

Mô hình máy lọc nước biển bằng công nghệ màng MD

Cô trình bày: “Nước ngọt là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá hiện nay các tàu đánh bắt cá xa bờ cũng như người dân sống trên các đảo đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt để sinh hoạt một cách trầm trọng. Theo thống kê của Tổng cục hải sản thì tính đến năm 2015 cả nước có trên 128.000 tàu cá trong đó tàu đánh bắt hải sản xa bờ (công suất > 90CV) khoảng 24.000 chiếc. Trước thực trạng thiếu nguồn nước ngọt cho ngư dân đi biển cũng như việc bất tiện khi mang theo nước ngọt từ đất liền của ngư dân thì việc tạo ra một nguồn nước ngọt sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt được xem là một nhiệm vụ cấp bách. Nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt của các tàu đánh bắt cá xa bờ, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường cũng như tăng hiệu quả kinh tế. Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ màng MD (Membrane distillation) để chế tạo ra máy lọc nước biển thông minh xử lý nước biển thành nước ngọt. Máy lọc nước này hoạt động dựa trên dự chênh lệch nhiệt độ của dòng nước, không cần sử dụng bơm áp lực để đẩy nước qua màng và tiêu tốn rất ít năng lượng do tận dụng được nguồn nhiệt thải từ máy nổ ở trên tàu cá. Bước đầu chúng tôi đã tiến hành chạy mô hình dạng phẳng trong phòng thí nghiệm và đã tìm ra được những điều kiện tối ưu để ứng dụng cho máy lọc nước vào thực tế...”.

Đem giới thiệu mô hình còn có vẻ thô sơ, cô gái trẻ vẫn tràn đầy đam mê: “Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu tìm tòi và ứng dựng công nghệ chưng cất màng (MD) cho xử lý nước biển thành nước ngọt. Đây là một công nghệ hoàn toàn mới chưa được nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Màng MD kỵ nước (hydrophobic) hoạt động dựa trên sự chênh lệch nhiệt độ giữa dòng nóng và dòng lạnh hai bên màng nước bên dòng nóng khi được gia nhiệt sẽ ở trạng thái hơi và màng chỉ cho hơi nước sạch băng qua. Các chất bẩn, vi khuẩn, ion kim loại...sẽ được giữ lại bên kia màng. Công nghệ màng MD có thể tận dụng các nguồn nhiệt thải hay các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt trời do đó có thể tiết kiệm được năng lượng. Khi áp dụng công nghệ này trên tàu đánh cá hơi nước nóng sẽ được tận dụng từ bầu két nước của máy nổ (hay máy phát điện) có sẵn ngay trên tàu tức là nguồn nước nóng luôn có sẵn ngay trên tàu sẽ là nguyên liệu cũng như năng lượng để vận hành thiết bị...”.

Nghe chuyện của những người trẻ này, bất giác thấy vui, vì hành trình khởi nghiệp đã “đẩy” được những câu chuyện nhỏ, giản đơn ra khỏi vùng an toàn của những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, mà gieo vào đó những giấc mơ lớn hơn...