Bên cạnh 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2017 do Hội Nhà báo Việt Nam bình chọn mới đây, thì những từ khóa như Uber, Grab, Bitcoin hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... đã phản ảnh được những diễn biến sôi nổi trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trong năm qua.

Mới đây, theo thông lệ đã hình thành từ 12 năm nay, Câu lạc bộ Nhà báo khoa học và công nghệ (Hội Nhà báo Việt Nam) đã công bố kết quả bình chọn 10 sự kiện nổi bật nhằm ghi nhận thành tựu của năm 2017 ở sáu lĩnh vực, bao gồm cơ chế chính sách, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, tôn vinh nhà khoa học, hội nhập quốc tế, và khoa học và công nghệ ứng dụng.

Nhưng chỉ 10 sự kiện đó thì chưa thể bao quát được hết những diễn biến sôi nổi trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của năm qua. Hẳn sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không đề cập đến những từ khóa như Uber, Grab – hai dịch vụ vận tải có nền tảng công nghệ cao đang hút mất lượng lớn khách hàng của các hãng taxi truyền thống.

Các thành viên dự án Akira - ứng dụng học tiếng Anh TOEIC trực tuyến - tại văn phòng Vietnam Silicon Valey dành cho các startups ở Hà Nội. Ảnh: Loan Lê

Ban đầu, các hãng taxi truyền thống ra sức phản đối hình thức kinh doanh của hai startup công nghệ này. Tuy nhiên, sau một thời gian, chứng kiến sự phát đạt của Uber và Grab, các hãng taxi truyền thống đã hiểu ra rằng, để tồn tại, họ không còn con đường nào khác là thay đổi công nghệ. Có thể kể tới hãng taxi Mai Linh đã đầu tư cho hệ thống tổng đài điện tử, điều xe nhập khẩu từ Ấn Độ hay Vinasun đã ứng dụng phần mềm điều xe thông minh đầu tiên của Việt Nam do Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM phát triển với tên gọi TNTRUCK. Uber hay Grab không chỉ gây sức ép lên đối thủ mà còn đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan thuế vụ.

Cũng là một sản phẩm của công nghệ cao, nhưng việc ứng xử với Bitcoin không thể chỉ đơn giản là chấp nhận hay từ chối như đối với Uber và Grab sau hai năm thử nghiệm vì đồng tiền “ảo” này chủ yếu được giao dịch trong không gian số và khó bị chi phối/kiểm soát bởi chính phủ/tổ chức nào...


Bên cạnh những từ khóa như Uber, Grab, Bitcoin, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không còn là từ khóa mới nhưng vẫn có sức hút nhờ nó truyền đi thông điệp rằng ở đó ai cũng có thể tham gia, học hỏi, phát triển bản thân nhanh hơn, với sự hậu thuẫn to lớn từ Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh từng chia sẻ: “Các vấn đề của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã dần được đưa vào nội dung của Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ... Chính sách cho từng nhóm đối tượng khởi nghiệp cũng đã có. Bộ KH&CN luôn đồng hành cùng những nhà khởi nghiệp như hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ, hỗ trợ hình thành doanh nghiệp KH&CN... Cơ hội khởi nghiệp đến với tất cả những ai có đam mê và dám đối mặt với rủi ro.”

Mới đây nhất, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đưa việc tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia trở thành một nội dung chính.

Trong hệ sinh thái đó, các trường đại học đang đóng vai trò ngày càng quan trọng với chức năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và tri thức mới. Bối cảnh này đã đưa đổi mới giáo dục trở thành một từ khóa nóng không kém từ khóa chống tham nhũng là mấy, theo GS.TS Trần Đức Viên. Năm qua, đổi mới giáo dục gắn liền với những cuộc thảo luận sôi nổi về những chủ đề liên quan mật thiết đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu như tự chủ đại học, xếp hạng đại học, tiêu chuẩn xét chức danh giáo sư, phó giáo sư, năng suất công bố quốc tế…

Hãy cùng các chuyên gia và phóng viên của Khoa học và Phát triển nhìn lại 365 ngày khoa học và công nghệ qua một số sự kiện và từ khóa nổi bật nhất.