Nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc phát hiện ra rằng nhiệt độ ở Bắc Cực sẽ tăng mạnh từ 3 đến 4 độ C và gây hậu quả tàn phá với môi trường, và điều này là không thể tránh khỏi ngay cả khi các nước hoàn thành mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học lo ngại nóng lên ở Bắc Cực có thể gây ra điểm bùng phát của biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ mùa đông ở Bắc Cực có khả năng tăng ít nhất 3 độ C so với mức nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp vào giữa thế kỷ, và có thể còn tiếp tục tăng từ 5 độ C đến 9 độ C so với mức nhiệt độ trung bình gần đây của khu vực này, theo Liên Hiệp Quốc.
Những thay đổi như vậy sẽ dẫn đến băng và băng vĩnh cửu tan nhanh, khiến mực nước biển dâng cao và có khả năng nhiệt độ tăng lên các mức nguy hiểm hơn nữa.
Các nhà khoa học lo ngại việc Bắc Cực ấm lên có thể là điểm bùng phát của biến đổi khí hậu do sẽ làm tan băng vĩnh cửu, giải phóng khí metan (một loại khí nhà kính mạnh) vào khí quyển, từ đó càng tạo đà cho hiệu ứng nóng lên.
"Biến đổi khí hậu xảy ra ở Bắc Cực sẽ không chỉ dừng lại ở Bắc Cực", theo Joyce Msuya, giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc. "Cần các hành động khẩn cấp ngay bây giờ để tránh các điểm bùng phát của biến đổi khí hậu - những điểm có thể gây hậu quả tồi tệ với hành tinh hơn cả những ước tính trước đây của chúng ta".
Các phát hiện, được trình bày tại hội nghị Môi trường Liên Hợp Quốc ở Nairobi hôm thứ 13/4, đưa ra bức tranh rõ nét về một trong những khu vực nhạy cảm nhất hành tinh và một trong những chìa khóa cho số phận của khí hậu thế giới.
Những cảnh báo gay gắt từ Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu vào năm ngoái, nêu ra các tác động mạnh mẽ của việc tăng 1,5 độ C toàn cầu, chưa nhắc đến tác động của các điểm bùng phát biến đổi khí hậu như băng vĩnh cửu tan.
Nếu băng vĩnh cửu tan gây ra điểm bùng phát, kết quả có khả năng là nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng quá mức 2 độ C (mức giới hạn an toàn theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu). Thậm chí gần một nửa lượng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực có thể bị mất ngay cả khi lượng khí thải carbon toàn cầu được giữ trong giới hạn của thỏa thuận Paris, theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc.
Kể cả khi toàn bộ phát thải carbon dừng lại ngay lập tức, khu vực Bắc Cực sẽ vẫn nóng lên thêm 5 độ C vào cuối thế kỷ, so với mức trung bình cơ bản từ năm 1986 đến 2005, theo nghiên cứu từ Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc.
Đó là bởi vì vốn đã có rất nhiều carbon được đổ vào khí quyển. Các đại dương cũng đã trở thành những kho nhiệt khổng lồ. Ảnh hưởng của việc này đang dần rõ ràng hơn, có thể thấy từ những thay đổi ở hai cực và trên các hệ thống thời tiết toàn cầu, và sẽ tiếp tục trong nhiều thập kỷ tới.
Hội nghị cho rằng vẫn cần phải hoàn thành các mục tiêu của thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu và có những hành động tiếp theo để ngăn chặn một số tác động xấu nhất của sự ấm lên trong thời gian tới. Kimmo Tiilikainen, Bộ trưởng Môi trường của Phần Lan, cho biết: "Trong ngắn hạn, chúng ta phải giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, carbon đen và các chất gây ô nhiễm khí hậu tồn tại trên toàn thế giới".
Theo các nghiên cứu trước đây, việc cắt giảm mạnh đối với carbon đen và các chất ô nhiễm tồn tại trong thời gian ngắn như metan có thể làm giảm nóng lên toàn cầu hơn 0,5 độ C.