Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang đẩy mạnh nghiên cứu nguyên lý đưa các nhà du hành vũ trụ vào trạng thái ngủ sâu trong quá trình bay vào không gian. ESA tin rằng đây chính là chìa khóa giúp con người du hành và khám phá vũ trụ bao la.

Các nhà du hành vũ trụ sẽ tránh được chuyến đi dài nhàm chán nhờ phương pháp ngủ sâu? Ảnh: NASA
Các nhà du hành vũ trụ sẽ tránh được chuyến đi dài nhàm chán nhờ phương pháp ngủ sâu? Ảnh: NASA

Trạng thái ngủ đông có vai trò quan trọng trong quá trình thám hiểm không gian; bởi lẽ khi con người rơi vào trạng thái ngủ sâu, các quá trình sinh học sẽ dừng lại. Ngủ sâu trên tàu vũ trụ giúp giảm đáng kể nhu cầu về thực phẩm, ôxy và nước... Nó khiến các chuyến bay dài khả thi, ít nhàm chán hơn đối với phi hành đoàn. Vì thế, ESA đang đẩy mạnh nghiên cứu về vấn đề này.

“Đây là một giải pháp rất có triển vọng trong việc nghiên cứu vũ trụ. Tiếc là trước mắt, chúng tôi chưa đủ khả năng để đưa các nhà du hành vũ trụ vào trạng thái ngủ sâu trong các nhiệm vụ khám phá không gian. Tuy nhiên, ESA - đang tích cực nghiên cứu và hy vọng sẽ sớm có kết quả để áp dụng” - ông Leopold Summerer - nhà khoa học thuộc ESA nói.

Hiện nhóm các nhà khoa học ESA - đứng đầu là nhà thần kinh học Vladyslav Vyazovskiy và một số đồng sự thuộc Đại học Oxford - đang tích cực nghiên cứu cơ chế ngủ sâu của động vật - đặc biệt là ở loài vượn cáo lùn Madagasca. Loài này dành bảy tháng mỗi năm để ngủ sâu.

Theo các nhà khoa học, trong khi ngủ, cơ thể những con vượn cáo lùn Madagasca sử dụng lượng mỡ được tích lũy ở đuôi (chiếm khoảng 40% số lượng chất béo dự trữ của cơ thể). Lúc này, thân nhiệt của chúng dao động mạnh từ vài độ đến hàng chục độ C tùy theo môi trường bên ngoài. Điều tiết thân nhiệt giúp chúng giảm quá trình trao đổi chất và tiết kiệm năng lượng.

“Rất nhiều loài động vật có khả năng ngủ sâu. Về mặt lý thuyết, con người cũng có thể làm được điều tương tự. Chúng tôi tin tưởng rằng một khi nắm được cơ chế ngủ sâu của động vật, con người hoàn toàn có thể bắt chước áp dụng cơ chế đó” - ông Vyazovskiy cho biết.

Hiện việc hạ thân nhiệt cũng bước đầu được áp dụng trong y học để làm chậm quá trình trao đổi chất. Ví dụ, trong ca phẫu thuật tim, cơ thể người bệnh được làm lạnh xuống dưới nhiệt độ bình thường.

Các nhà nghiên cứu khẳng định, những công nghệ có sẵn được áp dụng sau khi nghiên cứu cơ chế ngủ sâu của động vật chính là chìa khóa giúp con người du hành, khám phá vũ trụ.