Trong nghiên cứu đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS), Stephen Meyers và nhóm nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) phát hiện ngày trên Trái đất đang trở nên dài hơn do tác động của lực hấp dẫn Mặt trăng lên tốc độ quay của Trái đất.

Nguồn: Zmescience

Mặt trăng hiện đang di chuyển ra xa Trái đất với tốc độ3,82 cm mỗi năm, khiến hành tinh của chúng ta quay chậm lại. “Khi Mặt trăng di chuyển ra xa, Trái đất giống như một vận động viên trượt băng nghệ thuật đang làm động tác quay tròn chậm lại khi họ dang tay ra”, Stephen Meyers, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Cách đây 1,4 tỷ năm, một ngày trên Trái đất chỉ hơn 18 giờ. Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Trái đất hiện nay hoàn thành một vòng quanh trục sau 23 giờ, 56 phút, 4 giây. Vài triệu năm tới, một ngày trên Trái đất sẽ dài 25 tiếng. Mặt trăng cuối cùng sẽ ngừng dịch chuyển khi đạt tới khoảng cách ổn định với Trái đất. Khi điều này xảy ra, hai thiên thể sẽ quay theo khóa thủy triều ở cùng tốc độ và Mặt trăng chỉ có thể được quan sát từ một mặt của Trái đất.