Vừa qua, ADA, một công ty có ứng dụng giúp con người biết mình bị bệnh gì đã hợp tác với Quỹ Bill & Melinda (Gates Stiftung) tạo một phiên bản cho châu Phi với mục tiêu là thông qua ứng dụng này có những lời khuyên về chăm sóc y tế dành cho những người nghèo nhất.

Thưa ông Nathrath, nếu tôi bị đau đầu hay da bị mẩn ngứa thì liệu App của ông có giúp tôi tìm ra nguyên nhân gây bệnh được không. Hiện tại ông có kế hoạch làm một phiên bản bằng ngôn ngữ Suaheli. Tại sao vậy?

Trên thế giới hiện rất thiếu cán bộ y tế. Theo dự đoán, hiện tại thế giới thiếu 7 triệu bác sỹ để có thể giúp điều trị cho tất cả bệnh nhân, đến năm 2030 con số thiếu hụt lên đến 18 triệu. Hiện hàng tỷ người không có sự chăm sóc cơ bản về y tế. Chúng tôi muốn thay đổi tình trạng này.

Bằng cách nào, thưa ông?

Từ tám năm nay chúng tôi liên tục phát triển một Handy-App, ứng dụng có sử dụng trí tuệ nhân tạo, nhờ đó nó có thể giúp cho người ta biết nguyên nhân gây nên các triệu chứng bệnh. Bằng thiết bị này, chúng tôi đã tư vấn cho trên 7 triệu người về y tế, kể cả ở các nước đang phát triển. Tại Ấn Độ hiện đã có một triệu người sử dụng ứng dụng này. Giờ đây chúng tôi đang phát triển một phiên bản bằng ngôn ngữ Suaheli, để giúp cho hàng trăm triệu người ở châu Phi dùng tiếng nói này, có khả năng chẩn đoán bệnh tốt hơn hay ít ra cũng được tư vấn sơ bộ về y học.
Daniel Nathrath - người đồng sáng lập Ada.

Dùng một Handy-App thay cho một thầy thuốc được đào tạo – như vậy có ổn không?

Ada được xây dựng dựa vào kiến thức y học đã được thừa nhận. Chúng tôi đã có tám năm miệt mài với một đội ngũ hiện đã lên tới trên 100 bác sỹ cao cấp, các chuyên gia lập trình và chuyên gia về trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi luôn tiến hành các thử nghiệm, để so sánh giữa App với các bác sỹ giỏi của phương Tây. Và người ta có thể nói kết quả của Ada không hề tệ hơn.

Ông định đưa App tới châu Phi bằng cách nào?

Cùng với Quỹ Botnar của Thụy Sỹ, chúng tôi dịch Ada sang tiếng Suaheli và mở rộng trí tuệ nhân tạo (KI) của chúng tôi về các bệnh nhiệt đới, phù hợp với đòi hỏi của người dân sở tại. Trong tương lai, chúng tôi còn muốn trang bị ứng dụng này cho những người làm việc trong ngành y ở Tansania, họ là những người cho tới nay chỉ được đào tạo ở mức tối thiểu về y tế. Với sự hỗ trợ của Ada, những nhân viên y tế này có thể thực hiện chẩn đoán bệnh tốt hơn nhiều trên cơ sở đó cung cấp các loại thuốc thích hợp để điều trị người bệnh.

Quỹ Bill & Melinda-Gates của nhà sáng lập Microsoft Bill Gates và nhà cựu quản lý Microsoft Melinda Gates hỗ trợ sáng kiến châu Phi của ông. Ông đã làm thế nào để thuyết phục Quỹ cỡ tiền tỷ USD này?

Ada đã và đang là số một ở 140 nước về App sức khoẻ. Chúng tôi mới được Viện Công nghệ Massachusetts bình chọn là một trong những đơn vị có sáng kiến tốt nhất để cải thiện chăm sóc sức khỏe ở các nước đang phát triển. Tất cả những điều này làm cho thế giới biết và quan tâm hơn đến chúng tôi. Cách đây ít lâu chúng tôi có trao đổi với Quỹ. Câu hỏi đầu tiên mà họ nêu ra là: các vị có thể cùng một lúc cứu giúp hàng tỷ người không? Và điều đó chính là mục tiêu của chúng tôi.

Bill Gates tại một bệnh viện ở Châu Phi. Nguồn ảnh: gcshelp.org

Nghe có vẻ đầy tham vọng.

Lợi thế của chúng tôi là không cần có các thiết bị y tế đắt tiền. Ada có thể dễ dàng nhân rộng, vì ai muốn sử dụng dịch vụ này chỉ cần tải App của chúng tôi vào điện thoại di động của họ, ứng dụng này hoạt động ở mọi điện thoại thông minh giá rẻ. Những người dân châu Phi không được chăm sóc y tế, với Ada họ sẽ được chẩn đoán bệnh tốt không khác gì một ông chủ ngân hàng ở Manhattan hay London.

Nhưng ở châu Phi còn có nhiều người mù chữ, họ có lẽ sẽ không thể hiểu được App của ông – đấy là chưa nói đến các thuật ngữ chuyên môn về y học.

Đối với tiếng Đức và tiếng Anh chúng tôi đã thành công trong việc phát triển một ngôn ngữ dễ hiểu với người bệnh. Chúng tôi đã chuyển các thuật ngữ thành những từ thông dụng dễ hiểu. Còn với những người không biết đọc, có thể họ có người nhà, người quen đọc cho họ hiểu. Một người bán thuốc chữa bệnh tại một vùng hẻo lánh ở Nigeria viết thư cho chúng tôi, ông ta nói ở vùng đó không có bác sỹ. Khách hàng thường hỏi ông ta về bệnh tình của họ nhưng ông không giúp gì được cả, nay có Ada chỉ cần ghi triệu chứng là ông có thể trả lời họ tốt hơn nhiều về bệnh tật của họ.

Xin cho biết kế hoạch của các vị trong những năm tới?

Google có vai trò như thế nào trong việc tìm kiếm thông tin thì Ada cũng sẽ như vậy ở khâu sức khỏe con người. Google là một công cụ tuyệt vời đối với việc tìm hiểu nói chung đối với thông tin, nhưng nó gây nhiễu loạn đối với những người tìm triệu chứng và các bệnh, thường thì có quá nhiều thông tin.

Còn Ada như một bác sỹ giỏi đưa ra các thông tin phù hợp với mỗi người và với tình huống của người đó. Họ không chỉ nói với người bệnh, họ bị bệnh gì mà còn khuyên người bệnh nên đến gặp bác sỹ gia đình hay đi bệnh viện hay ra hiệu thuốc và mua thuốc gì để chữa trị. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để sau dăm ba năm nữa sẽ có hàng tỷ người tiếp cận được với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ một cách tốt nhất.