Nguy cơ này cộng với nhu cầu của các nhà thiên văn học về việc nghiên cứu các tiểu hành tinh để tìm ra manh mối về sự sống đầu tiên trên Trái đất, tìm hiểu cách thức các hệ thống năng lượng mặt trời phát triển… đã thúc đẩy Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) quyết định thăm dò Bennu.
NASA tiết lộ, họ đã khởi động kế hoạch phóng tàu không người lái Osiris-Rex vào ngày 8/9 tới để thu thập mẫu đất đá từ tiểu hành tinh này. Osiris-Rex sẽ tiếp cận Bennu vào tháng 8/2018 rồi gửi một tàu thăm dò để thu thập đất đá trên bề mặt của nó. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ gửi tàu lên thăm dò và lấy mẫu từ một tiểu hành tinh rồi trở về Trái đất.
Được phát hiện năm 1999 và đặt theo tên của một con chim trong thần thoại Ai Cập, Bennu quay quanh Mặt trời, cứ mỗi 6 năm lại đi ngang qua Trái đất với quỹ đạo ngày càng gần hơn. Theo ước tính đến năm 2135, tiểu hành tinh này có thể rơi vào giữa quỹ đạo của Trái đất và Mặt trăng và thay đổi quỹ đạo.
Mặc dù xác suất Bennu đâm vào Trái đất không cao, nhưng theo chuyên gia Mark Bailey của Đài thiên văn Armagh (Bắc Ireland), một tiểu hành tinh có kích thước 0,492km như Bennu khi rơi xuống Trái đất có thể gây thảm họa toàn cầu. Lực va chạm của nó tương đương 3 tỷ tấn chất nổ mạnh - tức là gấp 200 lần so với quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima, Nhật Bản. Khi va chạm, nó có thể tạo ra miệng hố rộng 7km, gây địa chấn tương đương với động đất 7 độ richter và tàn phá một khu vực rộng 500km.