“Cô bé ngón tay” thuộc chủ đề yêu thích của tác giả Michel Serres: những vấn đề của thế hệ trẻ lớn lên trong một thế giới đầy biến động, bị cuốn vào dòng xoáy của những thay đổi nhanh đến chóng mặt, có thể so sánh với giai đoạn kết thúc của Đế chế La Mã hay sự xuất hiện của kỷ nguyên Khai sáng.

Thế giới đã thay đổi, họ cũng phải thay đổi, hơn thế nữa còn phải gánh vác nhiệm vụ sáng tạo lại tất cả.

Cô bé ngón tay là cái tên mà tác giả đặt cho những cô bé, cậu bé học sinh hay các sinh viên trẻ tuổi ngày hôm nay, bắt nguồn từ khả năng điêu luyện và tốc độ tuyệt vời của họ khi soạn các tin nhắn trên điện thoại chỉ với hai ngón tay cái.

“Cô bé ngón tay” vừa ra mắt bản dịch tiếng Việt với sự hỗ trợ của Viện Pháp (Institut Français).

Từ khi ra mắt (2012) đến nay, cuốn sách 80 trang khổ nhỏ của triết gia, nhà lý luận và nhà văn người Pháp Michel Serres luôn được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng và tác giả của nó cũng được mời đi nói chuyện khắp nơi.

Cuốn sách bắt đầu bằng việc phân tích và nhấn mạnh tầm quan trọng của những thay đổi trong những thập kỷ gần đây. Từ những sự thay đổi lớn lao của nền văn minh, đã sinh ra hoặc chắc chắn sẽ sinh ra những con người mới, những con người “cá nhân” cuối cùng đã hoàn toàn được tự do, thoát khỏi những gánh nặng và những ràng buộc trong quá khứ nhờ vào những phẩm chất ưu việt của kỹ thuật số. Sự ra đời của các “cô bé/cậu bé ngón tay” này thậm chí sẽ báo trước sự ra đời của một xã hội toàn cầu mới, sáng tạo và hòa bình, dân chủ và sinh thái.

Có một cái nhìn rất khoan dung với thế hệ trẻ, Michel Serres đồng thời phê phán gay gắt những tầm nhìn hạn hẹp của thế hệ đương thời với ông, lạc hậu và bảo thủ, thế hệ đã để lại sau lưng một nền văn minh Phương Tây bối rối và lo âu giữa ngã ba đường.

Tác giả Michel Serres (1930-2019). Ảnh: AFP

Bộ não “ngoại hóa”

Nền tảng của cuốn “Cô bé ngón tay” là lý thuyết cho rằng lịch sử phát triển nhân loại được xác lập bởi sự tiến hóa kỹ thuật không ngừng. Theo lý thuyết này, con người, ngay từ khi mới xuất hiện, về cơ bản là một “sinh vật kỹ thuật”, nó thiết lập mối quan hệ với môi trường xung quanh, với giới tự nhiên thông qua vai trò trung gian của các cơ quan nhân tạo. Lịch sử tiến hóa của nhân loại là lịch sử của một tiến trình “ngoại hóa”, trước hết là bộ xương được “ngoại hóa” bằng những rìu đá, đòn bẩy, sau đó là những cỗ máy tạo ra lực cơ học và nguồn nhiệt (quá trình cơ khí hóa và điện khí hóa) và cuối cùng là quá trình “ngoại hóa” hệ thần kinh (lưu trữ và xử lý dữ liệu, mạng, điện toán đám mây, các kỹ thuật số...). Vì vậy, con người là loài sinh vật mà con đường tiến hóa của nó gắn chặt với quá trình sáng tạo ra và gắn bó ngày càng mật thiết với các thiết bị kỹ thuật nằm bên ngoài nó, qua đó các “chức năng bên trong” của con người được cấu trúc lại và mở rộng ra, sức mạnh của con người vì thế không ngừng được nhân lên gấp bội nhờ vào sự mở rộng nhân tạo đó.

Trên bình diện nhận thức, lịch sử phát triển của ngôn ngữ, của tư tưởng nhân loại cũng được giải thích bằng một quá trình “ngoại hóa” liên tục. Ngay từ lúc khởi đầu, nhận thức của con người được cấu thành và thể hiện trong và bằng ngôn ngữ truyền khẩu. Đó cũng là biểu hiện đầu tiên và khởi nguồn của tư tưởng. Giai đoạn tiếp theo khi con người phát minh ra chữ viết, ngôn ngữ và kèm theo đó là tư tưởng trở nên càng sâu sắc hơn, đây cũng là giai đoạn phát triển mang tính quyết định để mở rộng trí nhớ và làm quen với những biểu tượng. Sự ra đời của máy in và công nghệ in ấn đã làm các văn bản, từ những bản viết tay đơn lẻ trở thành những cuốn sách, những tờ báo được phổ biến rộng rãi. Công nghệ in ấn là tác nhân chủ yếu đưa đến những biến chuyển sâu sắc của kỷ nguyên hiện đại (chủ nghĩa nhân văn, khoa học hiện đại, hệ thống giáo dục phổ cập và giáo dục tinh hoa...). Những năm cuối thế kỷ XX đã trở thành thời kỳ lên ngôi của kỹ thuật số, mạng internet toàn cầu, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo...

Ngày nay, bộ óc của từng cá nhân, hệ thống thần kinh của toàn nhân loại đều đã được “ngoại hóa”. Đây là một bước đột biến vĩ đại, công nghệ kỹ thuật số đã cho phép “ngoại hóa” gần như tất cả các khả năng nhận thức của con người: trí nhớ, trí tưởng tượng, lý trí và suy luận. Giờ đây ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời điểm nào, mỗi cá nhân thông qua những chiếc máy tính hay điện thoại thông minh, đều có thể tiếp cận với bộ não khổng lồ của toàn nhân loại chứa đựng trong những đám mây điện toán.

Đối với Michel Serres, tuổi trẻ của những thời đại trước không thể so sánh được với tuổi trẻ ngày nay. Không biết đến chiến tranh hay nạn đói, có tuổi thọ sẽ kéo dài tới gần 100 năm, đa phần thế hệ trẻ ngày nay sống trong các đô thị lớn và dễ dàng di chuyển đến khắp nơi trên trái đất, thường xuyên học tập và làm việc trong các môi trường đa sắc tộc, đa văn hóa...

“Bằng điện thoại di động, họ có thể tiếp cận với tất cả mọi người; bằng GPS, tiếp cận với bất cứ địa điểm nào; với các trang Web, tiếp cận với mọi kho kiến thức: do đó họ đang sống trong một không gian tô pô được cấu trúc từ các lân cận mở, một loại không gian với cấu trúc liên kết của các lân cận, trong khi chúng ta đang sống trong một không gian mê tric, được cấu trúc bằng những khoảng cách, chúng ta và họ đã không sống trong cùng một không gian”. (Cô bé ngón tay, trang 16)

Cuốn “Huyền thoại vàng” của Voragine có nhắc đến một phép lạ từng xảy ra ở Paris. Vào triều đại của hoàng đế Domitien, quân lính La Mã đã bắt Denis, người được các tín đồ bầu làm giám mục đầu tiên của Paris. Ông bị bỏ tù, tra tấn và xử chặt đầu trên ngọn đồi mà sau này được gọi là Montmartre. Vì lười nhác, đám lính đã hành quyết nạn nhân ngay ở sườn đồi. Khi chiếc đầu rơi xuống đất, Denis vươn người đứng dậy, nhặt cái đầu lên và tiếp tục leo dốc để đi đến thị trấn mà ngày nay mang tên ông. Sử dụng cách so sánh với hình ảnh thánh Denis, Michel Serres xem rằng các cô bé/cậu bé ngón tay giờ đây cũng đã bị “chặt” đi cái đầu chứa các suy nghĩ và nhận thức của mình: “Trong tay chúng ta là chiếc máy tính, một cái hộp chứa và vận hành, trên thực tế, thứ mà chúng ta thường gọi là “những khả năng”: một bộ nhớ, mạnh hơn gấp ngàn lần so với của chúng ta; một trí tưởng tượng chứa đầy các biểu tượng thu nạp từ hàng triệu người; những phần mềm có thể giải quyết hàng trăm vấn đề mà chúng ta không thể tự mình giải quyết. Nói tóm lại cái đầu của chúng ta được ném trước mặt chúng ta, trong một hộp nhận thức được vật hóa này.” (Cô bé ngón tay, trang 54)

Một xã hội không còn trường học?

Phải chăng chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của một dạng sinh vật không có não? Michel Serres kiên quyết phủ định nghi ngờ này: đây là một cái đầu mới, không hẳn được chế tạo tốt hơn, nhưng được chế tạo theo một cách khác, với nhiều năng lực mới hơn: “Đầu lìa rồi thì cái gì vẫn còn trên vai chúng ta? Đó là trực giác sáng tạo và sống động không gì ngăn cản nổi. Kiến thức giờ đây đã được nạp đầy trong chiếc hộp, nhưng cuộc săn tìm phát minh vẫn đi cùng chúng ta như trước đây”.

Ông còn đưa ra một khẳng định chắc chắn sẽ làm choáng váng những đầu óc thủ cựu: “Một trí óc sáng tạo được đo bằng khoảng cách xa rời với kiến thức”. (Đọc đến đây, tôi cũng liên tưởng đến một sự tương đồng thú vị giữa suy nghĩ của Michel Serres với những lời giáo huấn trong Đạo Phật, Đức Phật luôn khuyên chúng ta cần phải thanh tẩy mọi thứ “trần tục” ra khỏi đầu óc cho đến khi đầu óc trở nên hoàn toàn “trống rỗng”, chỉ khi đó chúng ta mới có thể có được những năng lực “siêu nhiên”, để có thể “ngộ” ra những quy luật căn bản của vũ trụ và nhân sinh).

Ở những thế hệ trước, một giáo sư đại học truyền đạt xấp xỉ 70% những gì ông ta đã được học khi cũng ngồi trong các giảng đường trong hai mươi hay ba mươi năm về trước. Vị giáo sư và các sinh viên của ông khi đó đã sống trong cùng một thế giới. Ngày nay, 80% những gì vị giáo sư được học đã mau chóng trở nên lỗi thời; ngay cả với 20% kiến thức còn trụ lại, vai trò của vị giáo sư cũng trở nên không cần thiết nữa, bởi bất cứ ai cũng có thể tiếp cận những kiến thức đó mà không bắt buộc phải bước ra khỏi nhà. Các trường đại học đang trải qua một cuộc khủng hoảng tồi tệ, bởi kiến thức có thể tiếp cận ngay lập tức, ở mọi nơi vì thế nó không còn duy trì được những vị thế như cũ. Mối quan hệ giữa các học trò và người thầy đã thay đổi căn bản.

Michel Serres cật vấn gay gắt: “Truyền thụ cái gì đây? Kiến thức ư? Nó đây, đầy trên mạng, có sẵn ngay và luôn, đã được hiện thực hóa. Truyền thụ nó cho ai? Cho tất cả mọi người chăng? Nhưng hiện nay mọi người đều có thể tiếp cận đủ mọi kiến thức. Truyền thụ nó thế nào? Chẳng thế nào cả: nhiệm vụ đã hoàn tất”. (Cô bé ngón tay, trang 22)

Ý tưởng của Michel Serres là rất rõ ràng: chúng ta dần sẽ đi tới một xã hội “không có học sinh”, một điều tưởng chừng như không tưởng nhưng sẽ đạt được thông qua vai trò trung gian của các công nghệ mới. Trường học và ngay cả toàn bộ nền giáo dục, về cơ bản, theo ông là không cần thiết nữa và có thể thay thế bằng luồng thông tin và các kỹ năng tự do trao đổi.

Cá nhân người viết bài này, với kinh nghiệm gần 40 năm đứng trên bục giảng các trường đại học (trong và ngoài nước), cho rằng nhận định của Michel Serres có phần quá cực đoan. Trường học có thể biến mất nhưng giáo dục sẽ vẫn luôn là nhu cầu thường trực, có điều nó sẽ chuyển biến từ một nền giáo dục cứng (với những quy định nghiêm ngặt về môn học, về khối lượng kiến thức, về quy chế thi cử) sang một nền giáo dục “mềm”. Trong tương lai, tùy theo nhu cầu và sở thích riêng, mỗi cá nhân sẽ tự thiết kế một chương trình học riêng cho mình và sẽ đi “tầm sư học đạo”, giống như trong các xã hội Phương Đông cổ đại, họ sẽ “lặn lội đi tìm” cho mình những người thầy thích hợp; lúc này, cái mà người thầy cần truyền đạt cho học trò không chỉ là kiến thức hay kỹ năng thực hành mà quan trọng hơn, chính là những gì tinh túy nhất của con người người thầy. Xã hội và những nơi tuyển dụng lao động sẽ không còn quan tâm đến việc ứng viên đã học được những gì, học ở trường lớp nào mà chỉ quan tâm đến khả năng của ứng viên để giải quyết những bài toán mà họ đã và sẽ đặt ra. Với cách nhìn nhận như vậy, những cô bé cậu bé ngón tay sẽ phải tạo cho mình một năng lực tư duy mang tính sáng tạo, có chiều hướng tích hợp đa ngành và đặc biệt là nắm vững cách tư duy thuật toán để có thể sử dụng hiệu quả nhất các công cụ mà kỷ nguyên kỹ thuật số đã trao cho họ. Tư duy theo chiều sâu ngôn ngữ ở họ có thể kém hơn các thế hệ đi trước nhưng bù lại, tư duy bằng hình ảnh, bằng đồ họa của họ sẽ hơn hẳn.

Vì sao cuốn “Cô bé ngón tay” của Michel Serres thu hút sự quan tâm của đông đảo người đọc - từ những nhà triết học hàng đầu, các giáo sư đại học cho đến độc giả bình dân? Vì đây là lần đầu tiên, có một người lớn, một nhà sư phạm, một nhà triết học quan sát thế hệ trẻ mà không đưa ra những đánh giá tiêu cực hay những cảnh báo có tính thảm họa. Lần đầu tiên, những trang Web, trong con mắt của một người đã trưởng thành, không tạo ra sự sợ hãi mà còn gây ấn tượng tích cực mạnh mẽ. Lần đầu tiên có một triết gia mà tên tuổi gắn với những thời kỳ quá khứ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ Internet như một công cụ mang đến thay đổi lớn tốt đẹp trong tương lai. Lần đầu tiên, chủ nghĩa cá nhân, hiện tượng toàn cầu hóa, sự bành trướng của công nghệ mới, được phân tích một cách khách quan mà không bi quan, như những minh họa đơn giản về một thế giới đang thay đổi, nhưng không nhất thiết phải là một sự thay đổi tồi tệ hơn.

“Cô bé ngón tay” không phải là một cuốn sách để đọc ngấu nghiến. Tám mươi trang đậm đặc những suy tư ở tầm sâu của nó đòi hỏi sự tập trung hoàn toàn, mỗi câu của nó đã đạt đến một mệnh đề triết học ở tầm tư tưởng sâu sắc theo đúng nghĩa của từ này. Cho dù người đọc mới ở ngưỡng tuổi hai mươi, hay tám mươi tư, như Michel Serres, tác phẩm này vẫn dành cho họ và sẽ mang đến cho họ một cách nhìn khác về thế giới tương lai đang được khởi động xây dựng từ ngày hôm nay. Một cái nhìn lạc quan hơn, cởi mở hơn, xóa bỏ những định kiến ngăn cách giữa các thế hệ là cái mà chúng ta muốn chia sẻ và lan tỏa xung quanh mình, một cái nhìn ấm áp thân thiện đi kèm với những nụ cười!