Đại học Tổng hợp Lund (Thụy Điển) vừa khởi động dự án nghiên cứu kéo dài 5 năm nhằm giải mã ngôn ngữ của loài mèo. Các nhà khoa học tin rằng kết quả nghiên cứu sẽ giải thích rõ tiếng kêu của mèo và đặc biệt là chứng minh mèo ở các địa phương sẽ “nói” giọng khác nhau.

Ngôn ngữ của loài mèo sắp được giải mã thành công? Ảnh: Petsworld
Ngôn ngữ của loài mèo sắp được giải mã thành công? Ảnh: Petsworld

Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh hồi năm 2007 cho thấy loài mèo được thuần hóa và trở thành một trong những người bạn của chúng ta từ 12.000 năm trước. Giờ đây, các nhà nghiên cứu Thụy Điển hy vọng dự án có tên “Giai điệu trong giao tiếp giữa mèo và người” sẽ giúp tìm hiểu việc mèo có thực sự thay đổi tiếng kêu theo phương ngữ của con người để giao tiếp hiệu quả hơn đối với chúng ta.

“Chúng tôi tin rằng loài mèo có sử dụng “phương ngữ” khác nhau khi nghiên cứu tiếng kêu của chúng. Dự án nghiên cứu muốn tìm hiểu mức độ ảnh hưởng về ngôn ngữ và phương ngữ của con người đối với loài mèo khi chúng giao tiếp với chúng ta và liệu chúng có thay đổi “cách nói” để giao tiếp hiệu quả với con người hay không” - bà Susanne Schoetz - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Nhà khoa học tiết lộ, họ sẽ tiến hành nghiên cứu bằng cách ghi lại tất cả tiếng kêu trong nhiều trường hợp khác nhau của 30-50 con mèo sống ở nhiều địa phương khác nhau. Sau đó bằng những phương pháp đặc biệt, họ tiến hành phân tích tiếng kêu của chúng rồi so sánh để tìm ra sự khác biệt.

Nhóm nghiên cứu cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng khác của dự án là nỗ lực tìm hiểu tiếng kêu thể hiện những tâm trạng khác nhau của loài mèo để có thể xác định được những âm thanh, cung bậc cảm xúc nào thể hiện sự vui vẻ, thân thiện, nũng nịu, tức giận, căng thẳng…

Dự án cũng chỉ ra có cơ sở để tin rằng mèo có ý thức khi thay đổi ngữ điệu, giai điệu qua những tiếng kêu meo meo của mình. Đây là cách chúng truyền tải các thông điệp nhất định đến đồng loại và đặc biệt là con người. Họ lấy dẫn chứng việc những con mèo rừng, mèo hoang thường không kêu “meo meo” khi đã trưởng thành. Ngược lại, những con mèo nhà thường xuyên dùng tiếng kêu này như một cách giao tiếp hoặc thu hút sự chú ý của con người.

Kết quả của nghiên cứu được kỳ vọng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ và giao tiếp tốt hơn với loài mèo - một trong những người bạn tốt của con người.