Nhu cầu chữa ghẻ cho chó mèo được đoán là nguyên nhân khiến hàng loạt cây xà cừ trên đường Láng (Hà Nội) bị lột vỏ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tác dụng này chưa được chứng minh, trong khi vỏ xà cừ chứa chất độc có thể gây hại nặng nề cho vật nuôi.

Ngày 6/2, khoảng 40 cây xà cừ ở vị trí trước số nhà 954 đến 452 đường Láng bị phát hiện có vết đục, khoét, lột vỏ. Ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó giám đốc Công ty Công viên - Cây xanh Hà Nội, cho biết đơn vị không hề có chủ trương lột vỏ cây. Nhiều người phỏng đoán rằng Hà Nội đang bước vào mùa nồm, dễ sinh bệnh ghẻ ở chó mèo nên phát sinh nhu cầu dùng vỏ cây xà cừ để điều trị.

Nhiều cây xà cừ trên đường Láng bị khoét vỏ. Ảnh: Loan Lê.
Nhiều cây xà cừ trên đường Láng bị khoét vỏ. Ảnh: Loan Lê.

Trao đổi với phóng viên Báo Khoa học và Phát triển, bác sĩ thú y, thạc sĩ Nguyễn Văn Phương - Phó trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho biết, đến nay chưa có tài liệu nghiên cứu trong nước hay quốc tế nào khẳng định thành phần hoá học của vỏ cây xà cừ có tác dụng chữa bệnh ghẻ cho chó mèo.

“Mặc dù dân gian có truyền kinh nghiệm sử dụng thân, vỏ, lá, quả xà cừ để điều trị bệnh ngứa ghẻ cho chó mèo nhưng hiệu quả điều trị chưa từng được kiểm chứng một cách khoa học. Vỏ cây xà cừ chứa alkaloid, thành phần có khả năng gây trúng độc cho gia súc ngay cả với lượng nhỏ. Khi tắm cho chó, mèo bằng nước vỏ xà cừ, nếu chúng nuốt phải một lượng nước nhỏ thì có thể ngộ độc nặng” - bác sĩ Nguyễn Văn Phương cảnh báo.

Ông Phương cũng cho biết, bệnh ghẻ ở chó, mèo hiện có thể chữa dễ dàng bằng các loại thuốc chứa thành phần Ivermectin. Chất này không chỉ điều trị được ve, ghẻ mà còn giúp phòng và điều trị các bệnh nội ký sinh trùng như giun, sán ở thú cưng. "Thuốc có thể dùng đường bôi ngoài da, tiêm; phổ biến nhất là tiêm. Chỉ mất khoảng 7 ngày là điều trị khỏi, chi phí mua thuốc khoảng 50.000 đồng" - ông Phương cho biết.

Để phòng chống các bệnh ngoại ký sinh trùng cho chó, mèo, bác sĩ Phương khẳng định điều quan trọng nhất là giữ vệ sinh, tắm và chải lông hằng tuần. Khi chó, mèo có biểu hiện ngứa, viêm loét ngoài da, đưa đến phòng khám thú y để được các bác sỹ tư vấn và điều trị.

Về tác hại của việc lột vỏ đối với cây xà cừ, ông Trần Huy Thái - Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - cho biết tình trạng mất vài chục cm2 vỏ không ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Cây xà cừ có tên khoa học là Khaya senegalensis A. Juss., thuộc họ Xoan (Meliaceae), có nguồn gốc từ châu Phi, được nhập trồng làm cảnh ven đường khắp Việt Nam. Theo ông Thái, thành phần hóa học của vỏ cây xà cừ gồm các hợp chất khayanolide limonoid, 1-O-deacetylkhayanolid, khayanolid A, B, C, khayanolid D, E, khayasin, khivonin, asculetin, scopoletin, sitosterol... Hạt cây còn chứa dầu béo với thành phần chủ yếu là oleic acid (78%), pamilic acid (8,3%)...