Đó là tâm sự của Mai Phan Zymaris - chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ, người chịu trách nhiệm tổ chức giải thưởng và hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho người Việt Nam trên toàn thế giới Viet Challenge khi nói về sự trưởng thành của cộng đồng đặc biệt này.

Cái ôm của Mai (giữa) và các thành viên sau một sự kiện thành công. Ảnh: BTC cung cấp.
Cái ôm của Mai (giữa) và các thành viên sau một sự kiện thành công. Ảnh: BTC cung cấp.

Những người chung tay…

Đó là một chiều Sài Gòn mưa tầm tã. Chúng tôi gặp nhau. Có Mai Phan Zymaris - một luật sư chuyên về mua bán sáp nhập doanh nghiệp của hãng luật hàng đầu của Mỹ. Có Jean Phạm - người điều hành chương trình khởi nghiệp của Đại học Boston, to đùng. Có Hưng - giám đốc tài chính của một công ty khởi nghiệp phát triển nhất vùng Massachusetts. Cả ba đều là người cùa Viet Challenge, vừa bay từ Mỹ về để gặp gỡ các đối tác của cuộc thi năm 2019.

Lại có Khanh Trần, trẻ măng, đang điều hành quỹ khởi nghiệp của Vinacapital lên tới 100 triệu USD. Còn có chị Nga, mẹ của một cô gái trẻ vừa khởi nghiệp vừa làm tình nguyện viên của Viet Challenge. Có thêm anh Vũ, người đang điều hành Amazon Web Services. Có cả Uyên, đại diện quỹ đầu tư VIG, người vô tình bị rủ rê làm giám khảo cuộc thi. Còn lại là hai công ty khởi nghiệp: Việt VIOT - quán quân cuộc thi năm 2018 và Chin media, công ty digital marketing với nhiều dự định lớn lao. Cuộc trò chuyện rôm rả, át cả tiếng mưa, và ai cũng thấy “nóng” lên trong người vì những câu chuyện xoay quanh khát vọng ươm lớn những tiềm năng công nghệ người Việt cho nền kinh tế Việt.

Mọi người ngồi, bàn với nhau xem làm thế nào để có thể huy động được nhiều nguồn lực xã hội nhất để rủ rê không chỉ người Việt ở mọi nơi trên thế giới chịu “chơi chung” với nhau, mà còn cả ý tưởng kêu gọi các startup đủ mọi quốc tịch tham gia giải quyết một vấn đề gì đó của Việt Nam…

Mai kể, có những ngày, nhìn lên đồng hồ, thấy đã hai giờ sáng, mà cả team Viet Challenge vẫn đang miệt mài “cày bừa”. “Sẽ khó có doanh nghiệp nào quy tụ được toàn những nhân tài từ Facebook, Google, từ các tập đoàn lớn của nước Mỹ hì hục làm việc đêm hôm khuya khoắt như thế này, mà chẳng có đồng lương nào cả. Tất cả mọi người đều dồn công, dồn sức vì một sứ mệnh duy nhất mà chúng tôi tự nhận lãnh: “Chúng tôi có một giấc mơ đưa trí tuệ Việt Nam ra toàn thế giới!”. Vậy đó, giấc mơ đủ lớn, đủ đẹp, nên ai cũng tự nguyện xắn tay vào góp phần hiện thực hoá nó…

Bên ngoài, mưa vẫn nặng hạt. Nhưng câu chuyện thì rất ấm. Người làm quỹ đầu tư như Khanh bảo, “không bắt đầu thì làm sao có kết quả, ai cũng ngại mạo hiểm thì làm sao chúng ta có startup tốt?”. Anh Vũ thì dặn: “Cần cái gì thì cứ la to lên, chắc chắn sẽ có những người như tôi, không chỉ giúp ở khía cạnh chuyên môn của mình, tìm kiếm những hỗ trợ từ doanh nghiệp của mình mà còn đưa luôn hai bàn tay của mình để có startup nào cần thì có thêm tay thêm chân để làm sản phẩm cho mau…”.

Mở cửa thị trường rộng hơn

Hôm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ thanh niên khởi nghiệp, Jean Phạm tự mua vé bay từ Mỹ về Đà Nẵng để tham gia. Cô đứng dậy và bảo: “Chúng tôi là tập hợp 50 bạn thanh niên sinh viên Việt Nam ở Mỹ và đội ngũ tri thức này làm việc không lương 4 năm qua để mong muốn giúp nâng cao chất lượng startup Việt Nam bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ qua các khóa học. Mong muốn Chính phủ có chỉ đạo các chương trình như vậy và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp Hoa Kỳ và các nước. Nếu có chương trình này, Viet Challenge sẵn sàng đứng ra kết nối để đưa startup Việt ra thế giới, đặc biệt là Mỹ.”

Cô gái đầy năng lượng này cũng có mặt ở hầu như các chương trình chính thức và đội nhóm của Techfest, một cách hồ hởi, nồng nhiệt với những kết nối, những câu chuyện của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt. Nhớ lại cách đây không lâu, cô từng tâm sự: “Khoảng 9 tháng trước, mình vác vali đến Hawaii để làm việc ở một cái vườn ươm khởi nghiệp giữa trung tâm vì tò mò không biết cái “mô hình dạy khởi nghiệp” là cái chi chi? Làm việc trong co-working space cùng khoảng chục cái startup khác, mình bận tối mắt tối mũi không có thời gian để đi ngắm hoàng hôn Waikiki như trong tưởng tượng. Chuẩn bị hội nghị cho gần 300 người tham gia cùng với ông sếp chính là người đứng sau một trong những hội nghị startup hoành tráng nhất ở châu Á là RISE conference. Trong hơn 300 người khác hôm ấy có rất nhiều người đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Thái Lan… Nhưng tuyệt nhiên không có ai đến từ Việt Nam. Các bài diễn thuyết về phân tích xu hướng tiếp theo của startup châu Á cũng tuyệt nhiên không đả động gì đến Việt Nam. Mình tò mò đem câu hỏi đấy đến hỏi sếp thì sếp bảo vì startup nước mày chết nhanh quá, chưa có nhiều các ví dụ thành công. Nhưng ông ấy nghĩ khoảng 5-10 năm sau tình hình sẽ khác…”.

“Câu trả lời ấy đi theo mình và cũng là động lực để mình bỏ công sức và tâm trí suốt 9 tháng qua để làm Viet Challenge. Thứ nhất là vì mình thích và thứ hai là vì mình tin VietChallenge thực sự khác biệt với những cuộc thi startup đơn thuần “thi xong tất cả lại về” khác. Mình dành nhiều thời gian hơn để xây dựng mối quan hệ với mạng lưới startup và quỹ khởi nghiệp ở khu vực Boston, học hỏi mô hình startup incubator trong các trường đại học như Harvard, MIT, UMass-Boston để biết đâu đấy 5-10 năm nữa Bách khoa, Ngoại thương cũng có những lò đào tạo ra những startup founders thành công. Để Việt Nam không còn chỉ được biết đến là một quốc gia “giỏi toán tin” mà thực sự trở thành ví dụ thành công trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 này. Thay đổi hay là chết? Câu hỏi muôn thuở đang chờ chúng ta cùng giải quyết. Chúng mình muốn đi cùng những nhà khởi nghiệp đang trăn trở tìm một lối đi cho mình và cần thêm sự đồng hành…” – Jean chia sẻ.

Một chiều giáp Tết, gặp Lương An Tâm – chàng kỹ sư công nghệ thông tin đang làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Boston, Mỹ. Tâm vừa từ Đại học Fulbright Việt Nam chạy về. Ở đó, có tiến sĩ Huỳnh Thế Du vừa cùng Tâm bàn xem làm sao để xin được thêm hỗ trợ về tiền cho giải thưởng của cuộc thi. Tâm bảo: “Tụi em cũng đi xin được kha khá, vì ai cũng thấy thương câu chuyện mà Viet Challenge đang làm. Và có lẽ lòng tốt của cộng đồng chính là thứ quý giá nhất mà những người Việt xa quê như tụi em thấy rất ấm lòng…”.

Năm 2018, VietChallenge đã tạo được ấn tượng tích cực và đón nhận nhiệt tình của các startup Việt trên khắp thế giới, với hơn 500 hồ sơ dự thi đến từ 21 quốc gia tranh tài cho tổng giải thưởng lên tới 100.000 USD (hơn 2,3 tỉ đồng). Với sứ mệnh giúp hiện thực hoá những ý tưởng kinh doanh, nhắm vào việc giải quyết những thách thức của nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong cuộc cách mạng 4.0, VietChallenge đã không ngừng kết nối startup Việt với đội ngũ chuyên gia khởi nghiệp tại Mỹ giúp đem tới những bài học thực tế để khởi nghiệp thành công tại môi trường quốc tế. Tham gia cuộc thi, những nhà khởi nghiệp Việt Nam sẽ được học hỏi và tạo cơ hội thiết lập mối quan hệ với các quỹ đầu tư uy tín, vườn ươm khởi nghiệp, mạng lưới các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Trong mùa giải 2019, VietChallenge sẽ tiếp tục tổ chức chương trình Mentorship (Chương trình cố vấn 1-1) cho các đội lọt vào vòng Bán kết của cuộc thi. Với chương trình này, các chuyên gia trong các lĩnh vực như khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, robot tự động hoá, dữ liệu khổng lồ sẽ giúp các đội tháo gỡ nhanh chóng những khó khăn mà họ gặp phải. Chương trình Mentorship đang đem lại cho các đội chơi cơ hội gặp gỡ và học hỏi trực tiếp từ các chuyên gia đầu ngành tại Mỹ.