Giáo sư sinh học Carl Jones vừa nhận giải Indianapolis 2016 - được ví với giải Nobel trong ngành bảo tồn sinh vật - nhờ thành tích cứu 9 loài động vật thoát khỏi họa tuyệt chủng.

Nhà sinh học xứ Wales Carl Jones - một nhà bảo tồn nổi tiếng, đồng thời là Giám đốc khoa học của Tổ chức bảo tồn sinh học Conservation Trust Durrell Wildlife. Với việc đoạt giải thưởng Indianapolis 2016, ông Jones sẽ nhận được 250.000USD và Huân chương Lilly.

Carl Jones - người từng bị chỉ trích gay gắt là “kẻ trộm” trứng chim. Ảnh: Gannett-cdn
Carl Jones - người từng bị chỉ trích gay gắt là “kẻ trộm” trứng chim. Ảnh: Gannett-cdn

“Không một nhà bảo tồn sinh vật nào có thành tích ấn tượng hơn ông Carl Jones trong việc cứu nhiều loài thoát khỏi tuyệt chủng” - ông Simon N. Stuart - Chủ tịch Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) - khẳng định.

Trong khi đó, ông Michael Crowther - Chủ tịch Sở thú Indianapolis (Mỹ) - nhận xét: “Carl như ông vua của cơ hội thứ hai. Biệt tài của ông là tái sinh các loài động vật. Có thể nói Carl là người có khả năng thay đổi cuộc chơi”.

Ông Jones từng cứu 9 loài sinh vật thoát khỏi thảm họa tuyệt chủng, trong đó có các loài cực kỳ quý hiếm như cắt mauritius, vẹt đuôi dài mauritius, chim chích rodrigues. Thông qua các nỗ lực bảo tồn, ông cũng giúp phục hồi 6 trong tổng số 63 loài chim, động vật lưỡng cư và động vật có vú vốn nằm trong sách đỏ của IUCN.

Lần đầu tiên ông Jones đến quốc đảo Mauritius là vào những năm 1970. Khi đó, tại đây chỉ có 4 con cắt mauritius còn sống sót. Tuy nhiên, số lượng loài chim quý hiếm nhất thế giới này đã tăng lên đến hơn 300 chỉ sau một thập kỷ.

“Tôi đặc biệt tự hào về giải thưởng này - như là sự ghi nhận cho thành quả về bảo tồn động vật của tôi” - ông Carl Jones cho biết.

Ông Jones đã cống hiến phần lớn cuộc đời mình để bảo vệ các loài chim hoang dã và đã trải qua 4 thập kỷ làm việc ở Mauritius. Tình yêu với khoa học của ông lớn đến mức ông dành cả đời mình cho công tác bảo tồn và mới chỉ được hưởng niềm vui làm cha cách đây 8 năm, khi đã 53 tuổi.

Tuy nhiên trước khi đoạt giải thưởng này, ông Jones thường bị chỉ trích do phương pháp bảo tồn đặc biệt, trong đó chủ yếu là việc nuôi để động vật sinh sản và lấy trứng từ tổ của chim trong tự nhiên rồi ấp bằng phương pháp nhân tạo. Theo ông, đây cũng là một cách để chim mẹ có thêm động lực tiếp tục đẻ.

Phương pháp “trộm trứng” này bị nhiều người phản đối và gây tranh cãi lớn bởi nó chưa được thử nghiệm. Tuy nhiên, ông Jones luôn tin tưởng nó sẽ mang lại hiệu quả cao và thực tiễn đã chứng minh điều đó.

Ông Jones còn được đánh giá cao với ý tưởng “thay thế sinh thái” - một chiến thuật bảo tồn dùng một số loài động vật để thay thế các loài khác đã tuyệt chủng.