Một nghiên cứu quốc tế có quy mô lớn đầu tiên trên thế giới đã cảnh báo: khoảng 1/5 tổng số loài thực vật trên thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, đe dọa nghiêm trọng đến nguồn cung cấp lương thực và thuốc men cho toàn nhân loại.

Báo cáo của Vườn thực vật hoàng gia Kew (Anh) cho biết: Cùng với 2.034 loài mới được phát hiện vào năm 2015 đã nâng tổng loài thực vật tồn tại trong hệ thực vật thế giới lên 390.900 loài. Tuy nhiên 21% thực vật này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì mất môi trường sống, bệnh tật, các loài khác xâm lấn và mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.

Kathy Willis - Giám đốc khoa học của Kew - cho biết: “Đây là nghiên cứu về cây cối với quy mô toàn cầu đầu tiên trong lịch sử. Chúng ta từng có những nghiên cứu về chim, rùa, rừng rậm, thành phố, thậm chí cả kháng sinh với quy mô toàn cầu, nhưng cây cối thì chưa từng có. Việc nghiên cứu xem có bao nhiêu loài thực vật đang tồn tại, môi trường sống ưa thích của chúng là gì hay mối quan hệ giữa các nhóm loài như thế nào là một việc làm quan trọng. Bởi lẽ thực vật chính là gốc rễ của sự sống loài người. Chúng cung cấp thức ăn, nhiên liệu, các loại thuốc cho chúng ta, thậm chí kiểm soát khí hậu của chúng ta”.

Thay đổi khí hậu hiện được đánh giá chỉ là một nguyên nhân nhỏ nhưng vai trò đang dần tăng. Trong thập kỷ vừa qua, 13 trong số 14 những quần xã thực vật trên thế giới ghi nhận sự sụt giảm đất rừng lên tới 10%. Tuy vậy, biến đổi khí hậu nhiều khả năng sẽ có tác động mạnh trong vòng 30 năm tới. “Tôi cho rằng trong vòng 30 năm tới chúng ta mới có thể nhìn thấy toàn bộ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bởi các loài thực vật, đặc biệt là cây cối cần rất nhiều thời gian để sinh sôi,” Willis nói.

Các loài cây xâm thực cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Có khoảng 5.000 loài cây ngoại lai đang đe dọa thực vật bản địa tại nhiều nơi trên thế giới. Chúng sẽ hủy diệt hệ sinh thái, gây thiệt hại khoảng 5% cho nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, ghi nhận vẫn còn là công việc tương đối dễ dàng. Thách thức lớn nhất là phương án hành động. Giám đốc Willis cho biết:“Chúng ta cần phải thực tế. Dân số tăng lên, mọi người cần thức ăn và cần có cả đất để ở, do đó chúng ta cần xác định khu vực nào quan trọng để bảo tồn, và khu vực nào có thể sử dụng cho sự phát triển của con người”.Steve Bachman - tác giả bản báo cáo - nhận định:“Chúng ta biết rất ít về cây cối, do đó việc xác định được khu vực nào quan trọng hiện nay là chuyện bắt buộc. Tương tự như vậy, chúng ta mới biết rất ít về đa dạng di truyền của cây cối. Lĩnh vực này cần được đẩy mạnh hơn”.