Vừa qua, một nhóm học sinh của Trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) tiến hành tìm hiểu và phân tích thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu ở địa phương, qua đó đã thí nghiệm trích lấy các chất từ cây cỏ dại để tạo nên thuốc trừ sâu sinh học.

Theo tính toán từ tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO), hàng năm, trên thế giới có khoảng 12,4 % tổng sản lượng cây trồng do sâu phá hoại. Riêng ở lúa, sâu phá hoại trên 160 triệu tấn. Ở Việt Nam, hàng năm có trên 20% tổng sản lượng cây trồng nông nghiệp do sâu bệnh phá hoại.

Các em học sinh đang thực hiện thí nghiệm thuốc trừ sâu sinh học.
Các em học sinh đang thực hiện thí nghiệm thuốc trừ sâu sinh học.

Hiện hay có rất nhiều loại thuốc trừ sâu sinh học đang bày bán trên thị trường, nhưng đa số sử dụng các virut, vi khuẩn, nấm côn trùng, tuyến trùng có ích,… có giá thành cao. Bên cạnh đó, người dân có thể chế tạo ra các loại thuốc trừ sâu từ các loại cây dùng làm gia vị trong gia đình như tỏi, ớt, gừng,… nhưng các sản phẩm này chỉ có tác dụng xua đuổi.

Từ những thực trạng trên, nhóm học sinh lớp 11A2 của Trường THPT An Lạc Thôn gồm Lê Song Hồ và Nguyễn Thị Yến Bình đã tiến hành tìm hiểu và phân tích thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu ở địa phương, qua đó tiến hành thí nghiệm trích lấy các chất từ cây cỏ dại để tạo nên thuốc trừ sâu sinh học.

Qua thí điểm áp dụng ở địa phương, sản phẩm do các em tạo ra có khả năng tiêu diệt trên 90% sâu tơ hại rau màu (rau muống và rau dền). Sản phẩm mà các em sáng tạo ra có giá thành rẻ, đơn giản, hiệu quả kinh tế cao và rất an toàn cho môi trường và con người.

Sau khi thử nghiệm thành công, các em đã mạnh dạn đưa đề tài của mình dự thi cấp tỉnh và được chọn là 1 trong 5 đề tài của tỉnh Sóc Trăng tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia khu vực phía Nam vào tháng 3 sắp tới tại tỉnh Đồng Nai.