Vào tuần trước, các nhà khoa học từ chương trình Kính thiên văn Chân trời sự kiện (EHT) đã công bố bức ảnh đầu tiên chụp hố đen cách Trái Đất gần 54 triệu năm ánh sáng, chứng minh dự đoán của Albert Einstein trong Thuyết tương đối tổng quát.
Thiên hà chứa hố đen siêu lớn này có tên gọi NGC 4486 hoặc Messier 87 (M87). Vì vậy, các nhà thiên văn đã tạm ký hiệu hố đen là M87* (dấu hoa thị đề cập đến một hố đen, giống như Saggitarius A* là tên gọi của hố đen có khả năng tồn tại trong dải Ngân hà).
Sau khi hợp tác với nhóm nghiên cứu, giáo sư ngôn ngữ Larry Kimura tại Đại học Hawaii-Hilo (Mỹ) đã đặt cho hố đen M87* một cái tên thơ mộng hơn, đó là “Powehi” với ý nghĩa “nguồn tối tô điểm cho sự sáng tạo vô tận”.
Tên gọi này bắt nguồn từ Kumulipo – một bản thánh ca cổ có niên đại khoảng thế kỷ 18 nói về nguồn gốc của Hawaii.
“Ngay khi ông Kimura nói ra cái tên đề xuất cho hố đen, tôi vô cùng bất ngờ. Cái tên thật ý nghĩa khi nó mô tả được chính xác hình ảnh chúng ta nhìn thấy về hố đen”, Jessica Dempsey, phó giám đốc của Kính viễn vọng James Clerk Maxwell trên ngọn núi lửa Mauna Kea ở Hawaii, cho biết.
Quốc Hùng (theo Sciencealert)