Các nhà khoa học thuộc Cục khảo sát địa chất Slovenia, Trung tâm thông tin địa chất Slovenia mới giới thiệu một hệ thống cảnh báo sạt trượt có tên MASPREM.
Hệ thống này được phát triển từ năm 2013, có khả năng dự báo sạt trượt do mưa ở phạm vi khu vực và quốc gia, đồng thời cũng có khả năng cảnh báo cho Cơ quan bảo vệ dân thường và cư dân về khả năng xảy ra sạt trượt.
MASPREM bao gồm 3 cấu phần chính là bản đồ nơi có khả năng xảy ra sạt trượt; ngưỡng lượng mưa có thể gây ra sạt trượt và cuối cùng là mô hình dự báo lượng mưa (ALADIN, INCA).
Hệ thống dự báo cũng có thể tính toán được ở mức độ địa phương. Khi đó nó bao gồm bản đồ phân bố dân cư, tòa nhà, các loại hình cơ sở hạ tầng có khả năng chịu ảnh hưởng của sạt trượt với tỉ lệ 1:25.000 cho 14 khu vực đô thị đã lựa chọn.
MASPREM hoạt động theo chu kỳ 12 tiếng, để dự đoán khả năng sạt trượt trong thời gian 24 tiếng sắp tới, một cách hoàn toàn tự động. Nó hoạt động dựa trên phần mềm nguồn mở PostgreSQL và các ứng dụng web để hiển thị kết quả như Java, GDAL. Khi mô hình dự đoán lượng mưa được chuyển sang cho máy chủ GeoZS, dữ liệu được chuyển sang dạng đồ họa, được lưu trên cơ sở dữ liệu PostgreSQL và sau đó chuyển sang tính toán. Dựa vào kết quả tính toán sau cùng, dịch vụ WMS có trách nhiệm phân phối dữ liệu để những người có trách nhiệm có thể tải về và đánh giá kết quả.
Mô hình cảnh báo sạt lở được chia ra làm 5 cấp độ, từ 1 tới 5. Cấp độ 1 là không có khả năng sạt trượt, an toàn nhất trong khi cấp độ 5 nghĩa là nguy cơ sạt trượt rất cao.
Trong vòng 3 năm, từ tháng 9/2013 tới tháng 8/2016, MASPREM đã cảnh báo sạt lở 84 lần. Tuy nhiên, theo đánh giá, hệ thống vẫn còn hạn chế, liên quan tới dữ liệu đầu vào như độ phân giải không gian của mô hình ALADIN, các bản tóm tắt về sạt trượt - vô cùng quan trọng cho quá trình kiểm nghiệm hệ thống - chưa hoàn thành, việc xác định có bao nhiêu ngày mưa với lượng ban đầu có thể gây ra hiện tượng sạt trượt…
Mặc dù vậy, hệ thống cảnh báo sạt trượt này vẫn chứng minh được tính hiệu quả trong thời gian thử nghiệm.
Hiền Thảo (Theo EGU)