Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Tokyo, Nhật Bản mới đây đã thành công trong việc kết hợp các chi tiết máy móc kim loại và mô sống, để tạo nên một cánh tay robot sinh học có thể cử động được.
Trên thực tế, ý tưởng về một robot sinh học đã được giới khoa học thử nghiệm trong suốt hàng thập kỷ qua. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất của việc hiện thực hóa ý tưởng này lại không nằm ở khâu chế tạo, mà chính là việc duy trì nó.
Cánh tay robot sinh học vừa được ra mắt đã giữ được “sự sống” của mình trong một thời hết sức ấn tượng. Do đó, sản phẩm này được coi là đã mở ra một trang mới cho lĩnh vực chế tạo robot sinh học.
Để chế tạo cỗ máy “lai” đặc biệt này, các nhà khoa học đã sử dụng đến một khối cơ, vốn được nuôi cấy từ mô cơ của một con chuột con, để lắp đặt vào khung xương của cánh tay robot bằng kim loại và nhựa. Việc điều khiển “kết cấu lai” được tiến hành bằng các điện cực. Cụ thể, bộ phận này sẽ tạo ra dòng điện kích thích khối cơ, dẫn đến sự co và duỗi của các bó cơ. Được biết, nguyên mẫu này có thể “sống” tốt trong vòng một tuần, mà không mất đi chức năng cơ bản của mình.
“Hai bó cơ, nằm ở hai bên khung xương sẽ cùng hợp tác để cử động cánh tay máy. Cơ chế vận hành mô phỏng lại chính cơ thể người: khi bó cơ bên này gập thì bên kia sẽ duỗi ra một cách nhịp nhàng”- Đại diện của nhóm nghiên cứu cho biết.
Trong các thử nghiệm bước đầu, cánh tay robot sinh học này đã có thể nhặt một chiếc vòng nhỏ và đặt nó vào móc. Dẫu vậy, thiết kế này vẫn còn nhiều điểm kém hoàn thiện, đặc biệt là lực tạo ra khá yếu, hay việc nó chỉ tồn tại được trong môi trường nước!