Các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) tìm ra cách sử dụng ánh sáng Mặt trời để biến nhựa thành hóa chất hữu ích có khả năng sản sinh năng lượng sạch.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu trộn nhựa polyetylen với hóa chất để tạo thành một dung dịch. Dưới tác động của ánh sáng Mặt trời nhân tạo và chất xúc tác kim loại vanadium, các liên kết carbon trong dung dịch nhựa bị phá vỡ tạo thành axit formic – hợp chất có thể được dùng trong pin nhiên liệu hydro để sản xuất điện.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Advanced Science.
Trong thí nghiệm, nhựa bị phân hủy trong thời gian khoảng 6 ngày. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể ứng dụng phương pháp này để xử lý rác thải nhựa bằng ánh sáng Mặt trời trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà khoa học thừa nhận có rất nhiều thách thức khi thực hiện trên quy mô lớn.
“Chúng tôi đang tìm cách khai thác ánh sáng Mặt trời một cách hiệu quả để sản xuất nhiên liệu và các sản phẩm hóa học khác. Chúng tôi là những người đầu tiên có thể phá vỡ hoàn toàn một loại nhựa không phân hủy sinh học như polyetylen bằng ánh sáng và chất xúc tác không chứa kim loại nặng”, Soo Han Sen, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Quốc Hùng (Theo Sciencealert)