Mưa sao băng Leonids hay còn gọi là mưa sao băng bờm sư tử là một trong những hiện tượng thiên văn được mong đợi nhất năm.
Vào đêm nay (17/11), rạng sáng ngày mai (18/11), những người yêu thiên văn, yêu mưa sao băng ở Việt Nam sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng trận mưa sao băng tuyệt đẹp này.
|
Cận cảnh những vệt mưa sao băng Leonids.
|
Mưa sao băng Leonids có nguồn gốc từ các mảnh vụn của sao chổi 55P Tempel-Tuttle để lại trên quỹ đạo Trái đất.
Sở dĩ trận mưa sao băng này có tên là mưa sao băng Leonids bởi điểm xuất phát của vệt sao băng xuất phát từ vị trí của chòm sao Sư Tử (Leo). Đặc biệt, lấy tâm là chòm sư tử, những vệt sao băng vụt bay tỏa thành chùm xung quanh chòm sao, tạo hình như bờm sư tử.
|
Mưa sao băng Leonids còn được gọi là mưa sao băng bờm sư tử.
|
Mưa sao băng Leonids cũng nổi danh bởi khả năng gây "bão sao băng" của mình. Bắt đầu từ thế kỷ 19, trung bình cứ mỗi 33 năm, mưa sao băng Leonids sẽ đạt đỉnh, tạo ra một trận "bão sao băng" cực kỳ mỹ lệ.
Hiện tượng "bão sao băng Leonids" lần đầu tiên xảy ra vào năm 1833, đây cũng là cơn mưa sao băng Leonids lớn kỷ lục với tần suất 100.000 sao băng/giờ.
Trận mưa sao băng Leonids lớn kỷ lục tiếp theo xảy ra vào 33 năm sau, 1866. Tuy nhiên, trận "bão sao băng" được dự đoán vào năm 1899 đã không xảy ra. Phải đến tận năm 1966, con người mới có cơ hội được chiêm ngưỡng một trận mưa sao băng Leonids ngoạn mục với tần suất 2000 đến 3000 sao băng/phút.
|
Tuy không phải là năm có thể xảy ra "bão sao băng" nhưng người xem vẫn có cơ hội chiêm ngưỡng những vệt sao băng sáng rõ của trận mưa sao băng Leonids.
|
Năm nay, nhữngnước ở châu Á, Trung Đông, trong đó có Việt Nam sẽ có cơ hội tốt nhất để chiêm ngưỡng trận mưa sao băng bờm sư tử này. Tuy không phải là năm có thể xảy ra "bão sao băng" nhưng những người yêu thiên văn Việt Namcó thể quan sát mưa sao băng Leonids với khoảng 15 - 20 vệt sao băng/giờ.
Được biết, ánh trăng đêm nay (17/11) sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc quan sát.Nếu bạn muốn xem mưa sao băng Leonids, hãy tìm một vị trí thoáng đãng, ít ánh đèn, ngẩng đầu lên bầu trời vào khoảng nửa đêm đến rạng sáng, dành ít nhất một giờ để quan sát. Lưu ý mặc ấm, chuẩn bị đồ để nằm cho đỡ mỏi, thưởng thức được lâu.