Xu thế như thác đổ
Công ty CP (Thái Lan)đặt chân đến Việt Nam để kinh doanh ngô giống sớm chỉ sau Bioseed và nhanh chóng gây dựng được một bộ máy vững mạnh. Tuy nhiên thời gian gần đây, thị phần của những công ty mang tính khai phá này sa sút dần trước sự đổ bộ thần tốc của những tập đoàn toàn cầu. Trong cuộc đua về hạt giống ngô lai nói chung và hạt giống ngô lai biến đổi gen (GMO) nói riêng, CP tưởng chừng hụt hơi, bị bỏ lại đằng xa khi Monsanto, Syngenta lần lượt đệ đơn xin phép được tung ra các giống GMO.
Thế rồi vận hội mới mở ra cho CP khi hợp tác với tập đoàn Monsanto để sản xuất hạt giống GMO mà hướng chính là xuất khẩu. Cái bắt tay này cả hai đều có lợi bởi Monsanto đang cần một đối tác có đủ năng lực ở Việt Nam còn CP ngoài lợi nhuận từ việc gia công giống cho đối tác còn mua được bản quyền gen GMO để tạo ra sản phẩm biến đổi gen của riêng mình…
Nhà máy sản xuất giống
Theo kế hoạch, năm 2017 CP sẽ trồng 1.760 ha trong đó giống lai truyền thống là 446 ha, 16 ha GMO của CP và 1.290 ha GMO gia công cho Monsanto. Như vậy từ tự chủ, từ nay CP sẽ “ngả vào vòng tay” của Monsanto và gia công sẽ trở thành guồng quay chủ đạo. Với sản lượng giống GMO khổng lồ này, phần bán ở Việt Nam sẽ rất nhỏ còn lại chủ yếu dành cho mục đích xuất khẩu.
Nông dân miền Nam tuyệt vời ở chỗ rất chăm chỉ lại có kinh nghiệm sản xuất giống ngô lai gần 20 năm. Khí hậu miền Nam tuyệt vời ở chỗ rất ít bão gió, thiên tai. Đất đai miền Nam tuyệt vời ở chỗ có rất nhiều dư địa để chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn với hệ thống thủy lợi tưới, tiêu thuận tiện… Những điều kiện trên không nước nào ở xung quanh có thể là đối thủ của Việt Nam bởi Thái Lan đang cấm GMO còn Philippines đã thường xuyên gió bão lại trình độ nông dân cũng như cơ sở vật chất cho ngành sản xuất hạt giống kém xa.
Đó là cơ hội tốt biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất giống ngô GMO cho cả khu vực vì sản xuất ở đây sẽ không phải chuyển giống về từ Nam Phi nữa vì giá cả đắt, vì thời gian vận chuyển lâu, ảnh hưởng đến chất lượng. Thiên thời, địa lợi đã có chỉ còn thiếu mỗi yếu tố nhân hòa. Nếu không biết cách chớp lấy cơ hội này sẽ phải chuyển sang cho nước khác.
Những nông dân bất bại
Tham gia vào mạng lưới sản xuất giống của CP là 3.200 hộ nông dân ở 6 vùng. Với năng suất trung bình thu cả bắp là 7,5 tấn/ha, giá thu mua trung bình 9.500đ/kg, mỗi năm Cty sẽ phải trả cho những nông dân đó 118 tỉ đồng. Lợi nhuận của việc trồng ngô giống trung bình khoảng 34 triệu/ha.
Nông dân sản xuất giống GMO
Trên dải đất khá xấu và bạc màu ở xã Trung Lập Thượng (Củ Chi, TP. HCM) là bát ngát đồng ngô GMO rộng hơn 93 ha. Ông Hồ Văn Khánh - chủ của một ruộng ngô có diện tích 7.000m2 cho hay, với tỷ lệ hai bắp cao, ước tính năng suất vụ này đạt không dưới 9 tấn/ha (thu cả bắp), lợi nhuận trên 30 triệu đồng. Vẫn là đất đó nếu sản xuất giống ngô lai thường lãi 25 triệu, nếu trồng đậu lãi 15 triệu, nếu trồng lúa chỉ lãi 10 triệu.
So kè kỹ thì sản xuất giống GMO có phần còn nhàn hơn sản xuất giống lai thông thường. Nông dân chỉ mất hai lần xịt cỏ, tốn công hơn khi vừa xịt vừa phải che đậy cho hàng bố, còn lại không phải phun thuốc trừ sâu gì cả. Trong khi đó sản xuất giống lai thông thường phải phun 8-9 lần thuốc, mỗi lần phun 10 bình, riêng công đã là 25.000đ/bình, tính ra cả vụ mỗi ha mất đến dăm bảy triệu. Một nông dân bảo với tôi rằng giống truyền thống họ sản xuất đã quen tay nhưng thị trường không thích nữa nên giờ phải mày mò sản xuất giống GMO. Ai ngờ, giống GMO này còn dễ trồng, lãi nhiều hơn...
Rời Củ Chi chúng tôi đến xã An Tịnh (Trảng Bàng, Tây Ninh) nơi có cánh đồng rộng 237 ha đang sản xuất giống ngô lai F1 GMO. Ông Nguyễn Văn Đua - một cán bộ kháng chiến cựu trào, đến khi buông súng lại là nông dân ví rằng: “Cây ngô giống đã từ lâu gắn bó với người dân vùng này như vợ với chồng vậy, nếu mà chia rẽ thì cả hai đều buồn đau”. Ông cùng bà con sản xuất ngô giống từ 17 năm trước và chưa từng thất bại bao giờ, chỉ là được nhiều hay ít. Thế nhưng với vụ đầu làm GMO cũng không khỏi bỡ ngỡ, hoài nghi.
Đã thế lúc chuẩn bị xuống giống thì gặp trận mưa trái mùa trút xuống ngập trắng cả cánh đồng, 70% bảo không thể trồng mà phải chuyển sang đậu xanh, chỉ 30% bảo tiếp tục. Họ động viên nhau mà làm, để rồi nay những hộ đã trót trồng đậu xanh nhìn những người trồng ngô mà tiếc rẻ. Đậu xanh lãi nhiều lắm chỉ 10 triệu/ha còn ngô giống lãi không dưới 30 triệu/ha. So với các cây trồng khác ở vụ này thì ngô giống vẫn là lựa chọn tốt nhất tuy không phải là lời nhất bởi vì sau đó nông dân thường trồng vụ dưa hè.
Thăm ruộng sản xuất giống biến đổi gen
Dưa là loại cây trồng cho thu hoạch cao nhất nhưng không thể trồng liên tục được mà phải luân canh để ngắt quãng sâu bệnh. Không gì tuyệt vời hơn là luân canh dưa trên đất sau khi trồng ngô. Trước khi thu hoạch ngô chừng 15-20 ngày là họ trồng dưa vào. Ngô vừa thu là dưa đã vươn mình, bò dài ra ruộng. Bắp ngô vừa được bẻ thì thân ngô bị vùi xuống, làm tàn dư cho đất. Chính vì thế mà dưa lên tốt bời bời, cho thu lãi hàng trăm triệu/ha.
Ngót 20 năm gắn bó với nghiệp sản xuất giống ông Đua bảo chưa bao giờ thấy việc canh tác lại đơn giản, nhẹ nhàng như bây giờ bởi không phải phun thuốc sâu. Đối với sản xuất ngô giống thông thường, phun thuốc sâu là nỗi ám ảnh đối với bà con nông dân bởi phải dùng 6-8 lần. Ngơi tay phun thuốc cái là sâu ăn cụt cả râu, lòi cả bắp, thất thu ngay. Giờ vạch lá, tìm mãi mà chẳng có nổi một con sâu nên tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và sức khỏe để thỉnh thoảng lại gầy một cuộc nhậu chơi.
Tiềm năng lớn, nhưng…
Đại bản doanh của Cty CP ở Định Quán, Đồng Nai đẹp tựa một khu resort nên ít ai ngờ lại ẩn chứa một công nghệ tiên tiến nhất nhì của thế giới là dây chuyền xử lý hạt theo quy trình RIB (quản lý tính kháng của sâu hại). Tùy theo loại biến đổi gen nào mà người ta sẽ trộn theo tỷ lệ giữa các hạt GMO và hạt thông thường. Tỷ lệ đó ở đây là 95% giống GMO và 5% giống thông thường với mục đích khi gieo trồng, không đẩy sâu vào bước đường cùng, phải tiến hóa để kháng lại gen (đã được biến đổi) của giống vì vẫn có 5% môi trường để tồn tại.
Kiểm tra chất lượng giống
Trước đây người ta vẫn thường phải đóng hai gói sản phẩm, một giống GMO và một giống thường nhưng nông dân khi nghe nói giống thường là… vứt đi nên giờ phải phối trộn bằng máy. Nghe qua thì tưởng đơn giản nhưng để tiếp nhận được công nghệ này, hàng loạt các chuyên gia từ Mỹ, Philippines, Ấn Độ đã phải sang đây để chuyển giao. Sự hiện đại của máy móc, sự thành thục của con người giúp hoàn toàn kiểm soát và cho ra một tỷ lệ vàng trong phối trộn. Những hạt ngô GMO và hạt ngô thường giờ đây không thể phân biệt bằng mắt thường được.
Để kiểm tra hạt nào là GMO đích thực hạt nào không, người ta test nhanh bằng những que dụng cụ tương tự que… thử thai. Nổi một hay hai vạch là có gen GMO hay không. Ngoài ra còn có máy phân tích gen nhanh, mỗi lần có thể đọc được hàng chục mẫu. Tuy nhiên, máy đã mua được nhưng vẫn còn phải chờ hóa chất và con người từ Mỹ sang để tập huấn.
Ông Wara - Tổng Giám đốc Cty TNHH Hạt giống CP Việt Nam cho hay, các khu vực sản xuất giống ngô của đơn vị đang có xu hướng chuyển từ lai truyền thống sang GMO. Năm 2015 mới vài chục hecta, năm 2016 đã 500 ha, còn năm 2017 là 1.290 ha. Bởi vậy có thể sắp tới CP sẽ chuyển toàn bộ việc sản xuất hạt lai truyền thống về Thái Lan còn Việt Nam chuyên dành để sản xuất giống GMO. Đó thực sự là một cơ hội tốt đối với cả ngàn nông dân Việt đang hợp tác với Cty nhưng chỉ tiếc một điều là không dành sân chơi cho các doanh nghiệp nội địa. Các nhà khoa học và công ty nội sẽ nghĩ gì về điều này?
Để
Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sản xuất giống GMO xuất khẩu ra
toàn khu vực cần tạo các điều kiện thuận tiện cho sản xuất mà nhất là
được cấp giấy phép nhập giống bố mẹ cho những loại mà Việt Nam chưa có. |