Dữ liệu trên khắp thế giới cho thấy sự nóng lên toàn cầu không có dấu hiệu chậm lại hoặc dừng lại. 2018 là năm nóng thứ tư trong lịch sử, theo NASA.

Xu hướng ấm lên dài hạn của trái đất có thể được nhìn qua hồ sơ nhiệt độ toàn cầu của NASA, cho thấy nhiệt độ của hành tinh thay đổi theo thời gian, so với mức trung bình cơ bản từ năm 1951 đến 1980.

Dữ liệu mới về nhiệt độ trên khắp thế giới đi ngược lại với hy vọng rằng sự nóng lên toàn cầu đang suy yếu dần. Dữ liệu này được NASA và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) công bố vào tuần trước, cho thấy năm 2018 là năm nóng thứ tư kể từ năm 1880, năm đầu tiên dữ liệu nhiệt độ toàn cầu đáng tin cậy được ghi nhận.

Ba năm nóng nhất được ghi nhận là 2015, 2016 và 2017.

"Trên thực tế, năm năm nóng nhất trong cơ sở dữ liệu chính là năm năm vừa qua", ông Gavin Schmidt, giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ Goddard của NASA tại thành phố New York, và là một trong những chuyên gia trực tiếp mô tả dữ liệu mới này trên báo chí vào tuần trước. "Các xu hướng ấm hơn về dài hạn là rất rõ ràng và vẫn đang tiếp diễn."

Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 2 độ F (1 độ C) kể từ những năm 1880, theo dữ liệu của NASA. NOAA, sử dụng các đường cơ sở khác và cách phân tích dữ liệu khác, thấy rằng nhiệt độ toàn cầu năm 2018 cao hơn mức trung bình của thế kỷ trước 1,42 độ F (0,79 độ C).

Báo cáo mới cho thấy sự nóng lên toàn cầu không có dấu hiệu chậm lại hay dừng lại, Kristina Dahl, nhà khí tượng học cao cấp tại Liên minh các Nhà khoa học Quan tâm, nói.

Bởi vì các kiểu thời tiết là khác nhau trên khắp thế giới, không phải khu vực nào cũng trải qua xu hướng ấm lên như nhau. Xu hướng ấm lên mạnh nhất ở các vùng cực, nơi đã chứng kiến sự biến mất liên tục của băng ở Bắc Cực và sự co lại của các dải băng ở Greenland và Nam Cực.

Ở Hoa Kỳ, năm 2018 là năm nóng thứ 14 trong lịch sử. Ở mười bốn tiểu bang, nhiệt độ 2018 nằm trong nhóm 10 năm nhiệt độ cao nhất của từng bang. Cụ thể, bang Arizona năm 2018 có mức nhiệt độ cao thứ hai, New Mexico năm 2018 đạt mức cao thứ ba, California năm 2018 cao thứ tư trong lịch sử nhiệt độ từng bang.

Lượng mưa cũng có xu hướng tăng trong năm 2018. Dữ liệu của NOAA cho thấy lượng mưa trung bình ở Hoa Kỳ là 34,63 inch, khiến đây là năm ẩm ướt nhất trong 35 năm qua và năm ẩm ướt thứ ba kể từ khi bắt đầu có dữ liệu vào năm 1895. Trong khi một số phần của nước Mỹ chứng kiến những năm khô hạn hơn bình thường, chín bang miền đông - Delkn, Maryland, Massachusetts, New Jersey, North Carolina, Pennsylvania, Tennessee, Virginia và West Virginia - đã trải qua một trong những năm ẩm ướt nhất trong lịch sử.

Dữ liệu nhiệt độ được thu thập bởi hàng ngàn trạm quan trắc trên khắp thế giới, sau đó được phân tích và loại bỏ các sai lệch dữ liệu có thể xảy ra bởi nhiệt từ các khu vực đô thị hoặc các điều kiện khác.

Có sự đồng thuận rộng rãi giữa các nhà khoa học rằng sự nóng lên toàn cầu chủ yếu là do hoạt động của con người. Đặc biệt, việc đốt nhiên liệu hóa thạch làm tăng mức độ carbon dioxide trong khí quyển và các loại khí nhà kính khác. Khí nhà kính trong khí quyển làm tăng nhiệt độ bằng cách giữ nhiệt từ mặt trời ở lại Trái Đất, thay vì trở lại không gian. Các nhà máy nhiệt điện than là những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất ở Hoa Kỳ, tiếp theo là xe hơi, xe tải và các phương tiện chạy bằng xăng khác.

"Nhiệt độ sẽ tiếp tục ấm lên, không nhất thiết phải qua từng năm, nhưng về lâu dài, cho đến khi chúng ta kiểm soát được lượng phát thải", ông Schmidt nói.

Tổng thống Donald Trump không đồng tình với quan điểm này của khoa học khí hậu. Tuy nhiên dân chúng Hoa Kỳ đang bắt đầu theo kịp các nhà khoa học. Một cuộc thăm dò mới cho thấy 74% người Mỹ hiện tin rằng sự nóng lên toàn cầu là có thật, với 62% cho rằng hoạt động của con người là nguyên nhân.

"Chúng ta có thể thấy hậu quả của sự ấm lên toàn cầu qua việc mực nước biển dâng và lũ lụt gia tăng, sóng nhiệt gia tăng, các cơn mưa lớn, băng tan ở Bắc Cực, các sông băng trên khắp thế giới, Greenland và Nam Cực", Schmidt nói. "Mối đe dọa tiềm tàng khi nhiệt độ tiếp tục nóng lên là những thay đổi rõ ràng hơn sẽ xảy ra dẫn đến cháy rừng, hạn hán, nước dâng do bão và cường độ bão nhiệt đới tăng."

Năm 2018 đã có 14 thảm họa thời tiết và khí hậu với thiệt hại vượt quá 1 tỷ USD, theo NOAA. Bao gồm các cơn bão Florence và Michael, cũng như các vụ cháy rừng ở California.

Các chuyên gia cho biết nhiệt độ cao cũng đang gây ra một số chi phí xã hội, bao gồm giảm năng suất lao động và gián đoạn cung cấp thực phẩm, cùng với các vấn đề sức khỏe từ mùa dị ứng kéo dài và dữ dội hơn đến tỷ lệ mắc bệnh do côn trùng.

"Xã hội có thể không sụp đổ trong vài thập kỷ tới do biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta ngày càng hiểu nhiều hơn về viễn cảnh xã hội trong biến đổi khí hậu", Amir Jina, nhà kinh tế học môi trường tại Đại học Chicago, cho biết. Khi thời tiết trở nên nóng hơn, ông nói, mọi người "sử dụng nhiều năng lượng hơn để làm mát... làm việc ít hơn và làm việc kém hiệu quả hơn, và ngành sản xuất thực phẩm, đặc biệt là ở nửa phía đông của đất nước [Mỹ], có thể sẽ chứng kiến sản lượng giảm khoảng 50%" vào cuối thế kỷ này.

"Phần lớn mọi người trên hành tinh này chưa bao giờ trải qua một tháng với nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới mức nhiệt trung bình trong lịch sử", Dahl nói. "Và hầu hết thanh thiếu niên đã sống cả cuộc đời họ trong những năm nhiệt độ kỷ lục. Việc tiếp tục những xu hướng này ảnh hưởng xấu đến tình trạng của hành tinh và đặt tất cả cư dân vào nguy hiểm."

Nguồn: