Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Princeton cho thấy con người có xu hướng đánh giá khả năng của người khác dựa trên những dấu hiệu thể hiện năng lực kinh tế đến từ trang phục của người đó. Những đánh giá này diễn ra rất nhanh, chỉ trong một vài mili-giây và rất khó để tránh khỏi.
Trong 9 nghiên cứu được tiến hành, người tham gia sẽ chấm điểm mức độ thành công của những cá nhân mặc trang phục khác nhau. Kết quả cho thấy, những người mặc trang phục được cho là “đắt giá” hơn có điểm đánh giá cao hơn so với số mặc quần áo “rẻ tiền” hơn.
Người ta thường nhanh chóng đánh giá khả năng của một người dựa trên cảm quan cá nhân về trang phục người đó đang mặc. Đây là kết luận rút ra từ nghiên cứu thực hiện bởi Đại học Princeton. Loại đánh giá này diễn ra rất nhanh và khó tránh khỏi. Ảnh: Egan Jimenez, ĐH Princeton.
Chúng ta thường đánh đồng năng lực với địa vị xã hội, bởi vậy, nghiên cứu này đã chỉ ra những rào cản mà người có thu nhập thấp thường gặp phải khi bị người khác đánh giá năng lực qua ngoại hình.
Đồng tác giả nghiên cứu Dong-Won Oh cho biết: “Sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội Mỹ đã ngày càng chuyển biến xấu kể từ những thập niên 80 của thế kỉ trước. Và đến nay, khoảng cách giữa top 1% người giàu trong xã hội và tầng lớp trung lưu đã lên tới 1,000,000%, một con số không tưởng.” Theo đó, nhiều nghiên cứu đã cho thấy con người nhạy cảm như thế nào với việc người khác trông có “giàu” hay không, và nghiên cứu của Princeton đã khẳng định sự mặc định xảy ra của những đánh giá này.
Đầu tiên, mỗi người tham gia nghiên cứu sẽ được cho xem 50 khuôn mặt khác nhau và đánh giá xem trang phục người đó đang mặc thể hiện người đó “giàu” hay “nghèo”. Dựa trên những đánh giá này, 18 cặp hình-mặt thể hiện khoảng cách giàu nghèo rõ rệt nhất được đưa vào 9 nghiên cứu về sau.
Nhóm tham gia 9 thử nghiệm, được thông báo rằng các nhà nghiên cứu rất muốn xem họ đánh giá ngoại hình của người khác như thế nào, và được yêu cầu đánh giá năng lực (kinh tế) của những người trong hình mà họ quan sát được, dựa trên “cảm nhận thật lòng” của mình, theo thang điểm từ 1 đến 9.
Có 3 thời lượng quan sát khác nhau, từ 1 đến 130 mili-giây, tức là chưa đủ để nhận diện khuôn mặt của người trong hình. Đáng ngạc nhiên là kết quả đưa ra đều đồng nhất, bất kể trong thời lượng bao lâu.
Trong tổng số 9 lượt, các nhà nghiên cứu đã điều chỉnh đầu vào của một số lượt bằng cách thay thế trang phục vest, cà vạt bằng những trang phục thường ngày, hoặc cung cấp thêm thông tin về chuyên môn hoặc thu nhập để cố tình giảm ảnh hưởng đánh giá từ trang phục. Thậm chí, có lượt yêu cầu đến gần 200 người tham gia và được nhắc nhở bỏ qua yếu tố trang phục, hoặc treo thưởng tiền mặt cho những người có đánh giá gần nhất với nhóm không nhìn trang phục.
Song dù cố gắng cách nào, kết quả đánh giá vẫn như vậy. Có thể thấy, để vượt qua được thành kiến, người ta không chỉ cần chú ý, mà còn phải đầu tư thời gian, năng lực và động lực để chống lại nó. Và trong nghiên cứu này, những nỗ lực của nhóm nghiên cứu đều không thành công với người tham gia.
Từ đó, các nhà nghiên cứu kết luận, vượt qua thử thách của việc gây ấn tượng ban đầu chính là một vấn đề đáng lưu ý trong nghiên cứu tâm lý học hiện đại. Nghiên cứu được công bố trên chuyên mục Hành vi Con người thuộc tạp chí Nature.
Nguồn: https://phys.org/news/2019-12-eyes.html