Avantium, một công ty sinh-hóa học tại Hà Lan đang khởi động đầu tư vào dự án sản xuất nhựa từ đường chiết xuất từ thực vật thay cho các nhiên liệu hóa thạch. Dự án được hai ông lớn trong ngành sản xuất đồ uống đóng chai là Carlsberg và Coca-Cola lên tiếng ủng hộ nhằm tạo ra các chai đựng nước “hoàn toàn từ thực vật”.

Đống chai nhựa tại một nhà máy tái chế gần Bangkok, Thái Lan. Khoảng 300 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm và hầu hết không được tái chế. Ảnh: Diego Azubel / EPA.

Giám đốc điều hành của Avatium, Tom van Aken trình bày tham vọng dự án sẽ “bật đèn xanh” giúp nhà máy sản xuất nhựa sinh học hàng đầu thế giới của mình thu hút khoản đầu tư lớn vào cuối năm nay. Dự án vẫn đang theo kịp tiến độ ban đầu dù gặp phải gián đoạn bởi lệnh phong tỏa do dịch COVID-19.

Loại nhựa sinh học mới sẽ được sản xuất từ đường chiết xuất từ lúa mạch, ngô và củ dền. Ảnh: Kent/Alamy

Bên cạnh Carslberg, Coca-Cola và Danone cũng ủng hộ dự án nhằm đảm bảo tương lai của các sản phẩm đóng chai và đối phó với những tổn hại về môi trường gây ra bởi nạn ô nhiễm nhựa và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của ngành sản xuất.

Mỗi năm, thế giới sản xuất ra khoảng 300 triệu tấn nhựa từ các nhiên liệu hóa thạch, góp phần làm trầm trọng thêm thảm họa môi trường và khí hậu. Phần lớn số nhựa này đều không được tái chế và phân hủy thành vi nhựa trôi nổi trong lòng đại dương. Các hạt vi nhựa này không biến mất ngay mà cần hàng trăm năm để phân hủy hoàn toàn.

Ngược lại, theo Van Aken, loại nhựa mới có gốc từ thực vật này không chỉ không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, có thể tái chế mà còn có khả năng phân hủy trong tự nhiên nhanh hơn rất nhiều so với nhựa thông thường. Đặc biệt, loại nhựa này được thiết kế với khả năng chứa được các thức uống có ga. Thử nghiệm cho thấy nhựa thực vật có thể phân hủy chỉ trong một năm trong thùng ủ và một vài năm ở môi trường ngoài trời thông thường. Tuy nhiên, giải pháp lý tưởng nhất vẫn là tái chế và tái sử dụng chúng.

Trong quá trình sản xuất, các loại đường chiết xuất thực vật sẽ được phân giải thành các cấu trúc hóa học đơn giản và được sắp xếp lại trình tự để hình thành cấu trúc nhựa mới. Công ty dự kiến loại nhựa này có thể lên kệ các chuỗi siêu thị vào năm 2023. Trong giai đoạn đầu, dự án sẽ sản xuất với số lượng giới hạn 5,000 tấn nhựa thực vật từ đường ngô, lúa mạch hoặc củ dền. Avantium kì vọng sẽ mở rộng sản xuất khi nhu cầu nhựa tái tạo tăng lên. Theo kế hoạch, đường thực vật sẽ được lấy từ nguồn rác thải sinh học để không ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu khi nhu cầu nhựa thực vật tăng.

Nguồn: https://www.theguardian.com/environment/2020/may/16/the-end-of-plastic-new-plant-based-bottles-will-degrade-in-a-year