Elizabeth Holmes - nữ tỷ phú giàu có và trẻ nhất nước Mỹ - vốn là tấm gương để giới trẻ noi theo bấy lâu nay. Tuy nhiên, danh tiếng, tiền bạc cô kiếm được rất có thể sẽ sớm bị chôn vùi…

Khởi nghiệp từ chứng sợ kim tiêm

Tháng 3/2015, Elizabeth Holmes được Forbes bình chọn xếp thứ 110 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới. Với 4,5 tỷ USD, Elizabeth Holmes đã chính thức trở thành nữ tỷ phú giàu có và trẻ nhất nước Mỹ.

Năm 2003, Elizabeth Holmes đang học năm thứ hai tại đại học danh tiếng Stanford (Mỹ) đã quyết định bỏ học để dồn tiền bạc, công sức, tài năng lập ra công ty khởi nghiệp Theranos với khát vọng thay đổi thế giới.

Cảm hứng để cô sáng lập ra công ty này và bắt đầu khởi nghiệp là… nỗi sợ hãi khi bị tiêm hồi bé. “Thực sự thì tôi rất sợ chuyện này. Tôi cho rằng sự tra tấn khủng khiếp nhất đối với mình là ngồi đó và nhìn máu của mình bị rút ra” - Elizabeth Holmes hé lộ.

Chính việc sợ kim tiêm đã thúc đẩy Elizabeth tạo ra một thiết bị kiểm tra sức khỏe tổng thể chỉ bằng việc sử dụng vài giọt máu. Chỉ cần một chiếc kim châm cực nhỏ được giấu trong một chiếc hộp nhỏ như đồng xu, hai giọt máu sẽ được trích ra và sau đó 240 phép xét nghiệm có thể được thực hiện trong thời gian ngắn hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống, giá lại rẻ hơn. Quan trọng hơn là nó sẽ không khiến những người kiểm tra cảm thấy sợ hãi, đau đớn như phương pháp truyền thống.

Trong giai đoạn đầu thành lập, Theranos dễ dàng thu hút được 400 triệu USD từ một số nhà đầu tư mạo hiểm. Công ty cũng kéo hàng loạt nhân vật có tiếng tăm về làm việc, trong đó có không ít những cựu chính trị gia nổi tiếng của Mỹ như Henry Kissinger, George P. Shultz…

Phần lớn lợi nhuận Theranos thu được là từ việc trở thành đối tác của các công ty dược phẩm lớn như Pfizer, GlaxoSmithKline... Họ dùng kết quả xét nghiệm của Theranos để thử nghiệm các loại thuốc mới. Đáng nói hơn, Theranos còn kết hợp với những hệ thống phân phối dược phẩm như Walgreens, CVS với tham vọng khi các khách hàng đến những cửa hàng thuốc, họ có thể dễ dàng trích máu để xét nghiệm và kết quả được gửi qua thư điện tử hoặc tin nhắn.

Ưu thế của công ty này so với các đối thủ cạnh tranh là thời gian trả kết quả cực nhanh (từ vài phút đến 2 giờ đồng hồ) với mức giá siêu rẻ (chỉ bằng 50% mức trung bình hiện tại).

Chỉ sau một thời gian, danh tiếng và giá trị của Theranos lên như “diều gặp gió”. Riêng trong năm 2014, Theranos huy động được hơn 400 triệu USD và được định giá đến 9 tỷ USD.

“Theranos là công ty có khả năng thay đổi ngành y tế thế giới tương tự như cách Amazon làm trong lĩnh vực bán lẻ, Intel hay Microsoft thay đổi ngành công nghệ máy tính, hoặc Apple định nghĩa lại khái niệm điện thoại di động” - Jim Cramer, người dẫn chương trình Mad Money của Đài CNBC (Mỹ) - đánh giá.

Elizabeth Holmes và Theranos liệu có thể vượt qua cơn sóng gió? Ảnh: Techinsider
Elizabeth Holmes và Theranos liệu có thể vượt qua cơn sóng gió? Ảnh: Techinsider

Nguy cơ đe dọa phá sản

Đang băng băng trở thành một siêu thế lực trong ngành y, Theranos bỗng dưng gặp phải nguy cơ lớn nhất từ trước đến nay, đe dọa đến sự sống còn của công ty. Mới đây, tờ báo danh tiếng Wall Street Journal (Mỹ) đăng tải một loạt bài viết nghi ngờ những công nghệ mới mang tính “cách mạng” của Theranos.

Một cựu nhân viên của Theranos tiết lộ với truyền thông, vào cuối năm 2014, công ty này chỉ tiến hành 15 phép xét nghiệm bằng thiết bị được họ quảng cáo là sử dụng công nghệ hiện đại thông qua một thiết bị tiên tiến do họ phát triển có tên Edison. 190 phép xét nghiệm còn lại được tiến hành theo cách truyền thống với một cây kim và các thiết bị xét nghiệm thông thường.

Cựu nhân viên của Theranos cũng cho biết, công ty này đã pha loãng những giọt máu đó để đủ khối lượng mỗi mẫu nhằm phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật của những máy xét nghiệm truyền thống; thay vì áp dụng công nghệ mới được quảng cáo là chỉ thông qua một vài giọt máu vẫn làm được hàng loạt xét nghiệm. Theo các chuyên gia, việc pha loãng máu chỉ nên thực hiện trong những trường hợp đặc biệt bởi nó sẽ làm tăng xác suất cho ra các kết quả không chính xác.

Mọi chuyện còn tệ hơn cho Theranos khi mới đây, Bill Maris - một nhà đầu tư và quản lý đối tác của Quỹ đầu tư Google (Google Ventures) - đã tiết lộ lý do vì sao quỹ này từ bỏ ý định rót vốn vào Theranos hồi năm 2013.

Theo ông Bill Maris, lý do là bởi họ không tin tưởng ở tính chính xác trong các xét nghiệm mà Theranos thực hiện: “Chúng tôi từng chú ý đến Theranos và cử chuyên gia đến tìm hiểu, nhưng đã quyết định không đầu tư. Vấn đề ở chỗ, chúng tôi cho rằng các bệnh nhân là những người xứng đáng biết được các kết quả xét nghiệm máu của họ có chính xác hay không”.

Chưa hết, mới đây ông Jean-Louis Gassee - cựu giám đốc của Apple – cũng đã lên tiếng yêu cầu Theranos trả lời về kết quả xét nghiệm máu của ông tại công ty này có sự khác biệt rất lớn so với kết quả xét nghiệm máu cùng thời điểm tại Bệnh viện Stanford (Mỹ). Ông này cho hay mình đã gửi thư điện tử đến Theranos nhưng không hề nhận được câu trả lời.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn sau đó, Elizabeth Holmes cho biết Theranos không nhận được bức thư đó. Tuy nhiên, ông Jean-Louis Gassee không chấp nhận câu trả lời này. “Đối với một công ty làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, việc giả bộ không nhận được bức thư điện tử từ một bệnh nhân gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe là điều không thể chấp nhận được” - ông Jean-Louis Gassee nhấn mạnh.

Theo Wall Street Journal, công ty của Elizabeth Holmes đã phải ngừng hơn 240 phép xét nghiệm sử dụng cách lấy máu kiểu mới dưới áp lực của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Chỉ 1 phép xét nghiệm kiểu này là được FDA cho phép thực hiện.

Hiện không ít bác sĩ cho biết họ khuyến cáo các bệnh nhân của mình ngừng việc xét nghiệm máu tại Theranos vì không tin tưởng kết quả xét nghiệm tại đây.

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất, Elizabeth Holmes đã thừa nhận, Theranos đang sử dụng kết hợp giữa phương pháp lấy máu mới và phương pháp truyền thống để xét nghiệm. Tuy nhiên, cô nhấn mạnh rằng Theranos sử dụng ít máu hơn so với các công ty khác. Nữ tỷ phú này cũng xác nhận, Theranos có sử dụng cách pha loãng máu nhưng cho rằng đây là bước chuẩn bị trước khi tiến hành các phép xét nghiệm. Elizabeth Holmes cho biết, Theranos vẫn có mối quan hệ tốt đẹp với FDA và hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều phép xét nghiệm mới được cấp giấy phép.

Tuy nhiên, những phát ngôn đó không giúp được nhiều cho Elizabeth Holmes và Theranos. Cách cứu vãn tình thế tốt nhất là sớm chứng minh được tính đúng đắn, chính xác của các công nghệ mới với cơ quan quản lý và đặc biệt là với các khách hàng. Nếu không thành công, có lẽ Elizabeth Holmes sẽ sớm phải từ bỏ “danh hiệu” nữ tỷ phú giàu và trẻ nhất nước Mỹ.

Theranos là công ty đặc biệt khi chỉ có duy nhất Elizabeth Holmes – người sáng lập, Chủ tịch công ty - là nữ giới. Tất cả các quản lý cấp dưới đều là đàn ông. Ban lãnh đạo của Theranos cũng không giống các công ty khác khi thu hút hàng loạt các chính khách về hưu như 3 cựu bộ trưởng Mỹ là George Shultz, Bill Perry, Henry Kissinger; 2 thượng nghị sĩ Nghị viện Mỹ là Sam Nunn và William H. Frist cùng cựu Đô đốc quân đội Mỹ Gary Roughead….