Một nhóm nhà bảo tồn, đứng đầu là bà Michelle Berardinetti - Ủy viên hội đồng thành phố Toronto - đang tích cực vận động để Toronto trở thành thành phố ong đầu tiên của Canada.

Một trong rất nhiều “khách sạn của loài ong” trên nóc các tòa nhà cao tầng tại Toronto, Canada.Ảnh: Canadianliving
Một trong rất nhiều “khách sạn của loài ong” trên nóc các tòa nhà cao tầng tại Toronto, Canada.
Ảnh: Canadianliving

Theo họ, đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao ý thức của người dân, góp phần bảo vệ loài này khỏi nguy cơ suy giảm bầy đàn và tuyệt chủng.

Dự thảo báo cáo về vấn đề thành phố ong dự kiến sẽ được trình lên các cơ quan chức năng trong tháng 3 này để được chính thức công nhận. Hiện Toronto là nơi cư ngụ của hơn 300 loài ong. Thành phố này nổi tiếng với nhiều khu vực nuôi ong ngay ở các tòa nhà cao tầng tại trung tâm thành phố, cũng là nơi dẫn đầu về các hoạt động bảo tồn, bảo vệ ong ở Canada.

“Việc được công nhận là thành phố ong là một bước quan trọng trong việc giáo dục, nâng cao ý thức người dân, huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển loài ong. Toronto có nhiều thành tựu trong việc bảo vệ và phát triển loài ong. Chúng tôi xứng đáng có được danh hiệu này” - bà Berardinetti cho biết.

Bà Berardinetti cho rằng điều chúng ta có thể làm cho loài ong hiện nay chính là đảm bảo môi trường sống cho chúng.

Diễn đàn Khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái của Liên Hợp Quốc mới đây cũng công bố một báo cáo về hậu quả của sự suy giảm và tuyệt chủng các quần thể ong trên thế giới. Nghiên cứu của IPBES nhấn mạnh tầm quan trọng của hơn 20.000 loài ong hoang dã trong sản xuất thực phẩm cho người dân trên Trái đất. Khoảng 75% tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới (khoảng 577 tỷ USD) phụ thuộc vào sự thụ phấn của côn trùng và các loài động vật khác.