Sau khi tìm thấy một loạt xác ướp cổ đại, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những phát hiện đáng kinh ngạc về cuộc sống của người xưa.
Năm 1991, Otzi - một trong những xác ướp cổ nhất được tìm thấy tại sông băng ở dãy núi Alps của Italy. Người đàn ông này sống cách đây khoảng 5.000 năm trước và qua đời một cách đầy bạo lực. Vào năm 2016, các chuyên gia đã tái tạo giọng nói của xác ướp Otzi. Các chuyên gia dự đoán, giọng nói của xác ướp Otzi có tần số dao động giữa 100 - 150 Hz, tương tự như giọng nói của một người đàn ông sinh sống trong thời hiện đại.
Các chuyên gia đã phát hiện ra hai xác ướp năm 2011 tại Cladh Hallan, một hòn đảo gần Scotland. Điều bất ngờ là sau quá trình kiểm tra, họ phát hiện đó không phải là bộ xương nguyên vẹn của hai người là mà các mảnh xương của 6 người khác nhau, chết cách nhau vài trăm năm. Trong đó, mỗi bộ xương gồm xương 3 người khác nhau. Một số bộ phận của nam và một số bộ phận của nữ giới.
Cuối năm 2016, các nhà nghiên cứu của ĐH McMaster (Canada) có khám phá mới về virus đậu mùa trên một xác ướp thế kỷ 17 được tìm thấy năm 2015 trong hầm mộ một nhà thờ ở Vilnius (Lithuania). Theo các chuyên gia, virus đậu mùa có thể xuất hiện muộn cả hàng ngàn năm so với những giả thiết trước đây.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện 30 hình xăm kỳ lạ hình đóa sen, khỉ đầu chó và con mắt thần trên xác ướp một phụ nữ Ai Cập có niên đại cách đây 3.000 năm. Từ những hình xăm trên, các chuyên gia suy đoán người phụ nữ trên có thể là một nhân vật tôn giáo quan trọng.
Năm 1985, những người đi bộ đường dài phát hiện một xác ướp trên núi Aconcagua, Argentina. Kết quả kiểm tra cho thấy xác ướp trên là của một bé trai 7 tuổi, chết cách đây khoảng 5 thế kỷ. Cậu bé này là nạn nhân một nghi lễ hiến tế. Do thời tiết cực kỳ khô hanh nên thi hài bé trai 7 tuổi được bảo quản còn gần như nguyên vẹn và trở thành một xác ướp tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những ngón chân giả được làm từ gỗ và da, đính kèm với một xác ướp phụ nữ của người Ai Cập cổ đại. Những ngón chân giả này có niên đại từ năm 950 - 710 TCN. Các chuyên gia nhận định chúng đã được người Ai Cập sử dụng trong thực tế cũng như tạo ra các bộ phận cơ thể giả để an táng cùng các xác ướp.
Năm 2016, các nhà khoa học tại Bảo tàng Cổ vật Hà Lan (Rijksmuseum van Oudheden) đã kiểm tra bằng công nghệ chụp cắt lớp vi tính 3D với xác ướp cá sấu dài 3m được tìm thấy tại một ngôi đền thờ thần Sobek ở Ai Cập. Kết quả kiểm tra quét 3D cho thấy bên cạnh hai con cá sấu lớn còn có hàng chục cá sấu con (màu xanh) quấn riêng rẽ. Các chuyên gia đã đưa giả thuyết cá sấu được ướp cùng nhau là vì theo truyền thống tôn giáo của người Ai Cập cổ đại nó liên quan đến sự cải lão hoàn đồng và cuộc sống sau khi chết.
Theo Kiến Thức