Đã bao năm họa sỹ Trần Thanh Thục ngồi một mình trên căn gác nhỏ với đống vải vụn bao quanh. Từng mảnh vải từ nhỏ xíu cho đến lớn đều được chị nhìn ngắm, chắt lọc, rồi tỷ mẩn cắt ghép thành những bức tranh.

>> Chào xuân Đinh Dậu 2017: Khát vọng cất cánh

Năm 1981 khi về Nam Định nghỉ hè cùng cha, nữ họa sỹ Trần Thanh Thục - lúc đó còn là một thiếu nữ - có ghé thăm người bạn cũ làm thợ may. Thấy có những miếng vải vụn đẹp bỏ đi, chị đã thử ghép thành một bức tranh phong cảnh làng quê để khoe bố bằng cách cắt hình ngôi nhà, cây cối rồi lấy hồ dán lên tấm bìa. Bức tranh lạ mắt được bố khen và động viên chị làm tiếp.

Giờ đã ở tuổi 56, chị vẫn theo đuổi tranh cắt vải và dần biến nó thành một nghệ thuật tạo hình độc đáo mang vẻ đẹp rất riêng.

Hàng trăm họa tiết trên những mảnh vải đủ màu vốn không liên quan đến nhau, nhưng qua bàn tay cắt ghép của nữ nghệ sỹ, chúng hòa vào thành các tác phẩm mang những câu chuyện riêng về cuộc sống bình dị.

Thay vì những cây cọ vẽ, họa sỹ tạo nên các tác phẩm bằng những cây kéo. Bản năng cần mẫn của phụ nữ cộng với vốn kiến thức học từ trường Mỹ thuật và trải nghiệm cuộc đời đã giúp chị tạo ra những bức tranh cắt vải có vẻ đẹp độc đáo.

“Mình thương mình, mình thương tình yêu và đam mê của mình. Vừa yêu vừa thương cái đam mê chưa trọn vẹn vì chưa đủ khả năng để nuôi nó, dành trọn vẹn thời gian cho nó” - nữ họa sỹ tâm sự.

Tác phẩm “Phố mùa đông”.

Tác phẩm “Nhà thờ đổ Hải Lý”. Họa sỹ Trần Thanh Thục tâm sự: “Tôi là người hoài cổ và yêu thiên nhiên, vì thế những góc quê yên bình, góc phố cũ hay miền núi xa xôi là đề tài tôi theo đuổi”.

Tác phẩm “Tuổi hoa”.

Tác phẩm “Gánh sen xưa”.

Tác phẩm yêu thích của nữ họa sỹ mang tên “ Ký ức quê ngoại” - được làm để dành tặng cha, mang hình ảnh một buổi trưa hè yên bình có giàn mướp vàng tươi và ánh nắng mơ sau cánh cổng.