Mặt trăng - thiên thể vốn ở địa vị “chư hầu” của Trái đất - có thể sẽ được xếp vào hàng ngũ các hành tinh của hệ mặt trời, nếu như đề xuất định nghĩa mới về hành tinh của một nhóm khoa học gia NASA được chấp nhận. Khi đó, hàng chục vệ tinh sẽ được thăng cấp.

Đề xuất mới về định nghĩa hành tinh

Đại diện nhóm trên - Alan Stern, nhà khoa học tham gia sứ mệnh thăm dò sao Diêm Vương mang tên New Horizons - tuyên bố rằng định nghĩa hiện tại về hành tinh của Hiệp hội Thiên văn quốc tế (IAU) quá hẹp và không đi đôi với những gì mọi người hiểu về các hành tinh.

Sau khi IAU “hạ cấp” sao Diêm Vương, ông Stern từng gọi động thái này là “vớ vẩn” trên tờ Business Insider năm 2015. “Tại sao các bạn phải nghe nhà thiên văn học khi nói về một hành tinh? Bạn phải lắng nghe các nhà hành tinh học - người thực sự hiểu về chủ đề này. Khi nhìn vào một đối tượng như sao Diêm Vương, chúng ta không biết cách nào khác để gọi nó” - ông Stern nói và phàn nàn rằng định nghĩa hành tinh của IAU khiến sao Diêm Vương bị “hạ bệ” đến từ nhà thiên văn học Mike Brown chứ không phải từ một nhà hành tinh học.

Nhóm của Stern đề xuất một định nghĩa mới mà theo họ là hữu ích hơn cho ngành hành tinh học, địa chất học, các nhà giáo dục, sinh viên: “Hành tinh là một thiên thể có khối lượng dưới khối lượng giới hạn để có thể diễn ra phản ứng nhiệt hạch, đủ khối lượng để nó có hình cầu do chính lực hấp dẫn của mình gây nên, được mô tả đầy đủ bởi Ellipsoid - một dạng mặt bậc hai có hình tương tự như elip - trong không gian ba chiều, không phụ thuộc vào tham số quỹ đạo của nó”.

Nhà khoa học Alan Stern nhận kỷ lục Guinness cho con tem đi xa nhất thế giới. Ảnh: NASA

Nhóm cho rằng định nghĩa này phù hợp với cách sử dụng của từ “hành tinh”, thậm chí là trong các ấn phẩm khoa học hành tinh. Họ cho rằng định nghĩa về hành tinh của IAU “không hoàn thiện về mặt kỹ thuật”.

Nếu chiểu theo định nghĩa mới kể trên, Mặt trăng của Trái đất và mặt trăng của một số các hành tinh khác trong hệ mặt trời cũng sẽ được coi là một hành tinh thay vì chỉ là các vệ tinh tự nhiên.

Lấy lại sức hút cho sao Diêm Vương

Nhóm của Stern muốn giúp công chúng và các nhà hoạch định chính sách nhìn thấy giá trị của việc khám phá các hành tinh ngoài số hành tinh chính của hệ Mặt trời.“Trong một thập kỷ sau vụ IAU giáng cấp sao Diêm Vương, nhiều người cho là một “phi hành tinh” như vậy không còn đủ thú vị để nghiên cứu, thăm dò, dù đó không phải là ý định của IAU. Câu hỏi mà chúng tôi nhận được là: “Tại sao chúng ta phải gửi phi thuyền New Horizons đến sao Diêm Vương nếu đây không còn là hành tinh nữa?” - ông Stern nói.

Nhóm nhà khoa học của NASA kết luận: “Trong các cuộc nói chuyện với công chúng, chúng tôi thấy họ lây niềm hạnh phúc với định nghĩa mà chúng tôi cung cấp, đặc biệt là khi nó phản ánh tính chất vật lý bên trong của đối tượng thay vì vị trí của nó. Định nghĩa đó thúc đẩy trực giác của họ, nhấn mạnh cho công chúng và các nhà chính sách rằng trong hệ mặt trời vẫn còn nhiều thế giới hấp dẫn chưa được khám phá và xứng đáng để chúng ta thăm dò với những nguồn đầu tư cần thiết”.

Theo tờ Forbes, ngay cả khi IAU quyết định chấp nhận các định nghĩa mới về hành tinh thì sẽ mất một khoảng thời gian dài trước khi điều này chính thức được thông qua.

* Định nghĩa của IAU về hành tinh: Năm 2006, định nghĩa chính thức về hành tinh lần đầu tiên được đưa ra khi đại hội của IAU thông qua một nghị quyết về vấn đề này sau rất nhiều tranh cãi. Theo đó, một hành tinh của hệ mặt trời là một thiên thể có đủ các tiêu chí sau: Quay xung quanh Mặt trời; có khối lượng đủ lớn để lực hấp dẫn của chính nó vượt qua các lực vật thể rắn sao cho nó có dạng cân bằng thủy tĩnh (gần hình cầu); đã dọn sạch miền lân cận quanh quỹ đạo của nó. Sau khi định nghĩa này được thông qua, sao Diêm Vương mất địa vị hành tinh.

* Mặt trăng từng được coi là hành tinh: Các nhà thiên văn Hy Lạp cổ đại và trung cổ đều cho rằng Mặt trăng thực sự là một hành tinh. Từ khi thuyết Nhật tâm của Copernic được xuất bản (năm 1543), nó đã không còn được coi là hành tinh điển hình. Copernic cho rằng tinh thể này chỉ quay quanh Trái đất chứ không phải Mặt trời nên nó bị hạ cấp kể từ đó.

* Con tem vũ trụ: New Horizons - tàu thăm dò sao Diêm Vương - mang theo một con tem trị giá 29 cent của Mỹ có tên “Sao Diêm vương chưa được khám phá” trong sứ mệnh của mình. Ngày 19/7/2016, nó chính thức được Guinness công nhận là con tem đi xa nhất thế giới với khoảng cách vượt qua là 441 triệu kilômét.