Chúng ta thường quên những giấc mơ của mình
Giới khoa học ước tính mỗi người nằm mơ từ 4 đến 6 lần mỗi đêm. Các giấc mơ thường diễn ra vào giai đoạn ngủ REM(chuyển động mắt nhanh). Tuy nhiên, chúng ta không thể nhớ tất cả giấc mơ của mình, hoặc chỉ có thể nhớ lại những thông tin mơ hồ. Trong vòng 5 phút sau khi giấc mơ kết thúc, chúng ta quên 50% nội dung của nó. Khoảng 90% các chi tiết của giấc mơ sẽ biến mất chỉ sau 10 phút.
Theo một bài báo đăng trên tạp chí Scientific American,đa số giấc mơ rất khó để nhớ lại bởi vì các quá trình giúp chúng ta tạo ra ký ức dài hạn không xảy ra khi ngủ. Ví dụ, hàm lượng chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhớ nằm ở mức rất thấp khi chúng ta ngủ.
Chúng ta có khả năng sẽ nhớ được một giấc mơ chứa nhiều cảm xúc hoặc mang tính logic. Những cơn ác mộng sống động, mang cảm xúc mạnh khiến não và cơ thể bạn bị kích thích nhiều hơn. Điều này có thể làm bạn thức dậy đột ngột trong lúc đang nằm mơ, do đó bạn nhớ chúng dễ dàng hơn.
Một số kỹ thuật có thể giúp bạn nhớ lại giấc mơ, chẳng hạn như nhắc nhở bản thân ngay trước khi ngủ rằng bạn muốn ghi nhớ giấc mơ của mình. Ngoài ra, bạn có thể đặt một vài mảnh giấy và bút cạnh giường để ghi lại bất cứ điều gì bạn nhớ được ngay sau khi thức dậy.
“Ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình không thể nhớ giấc mơ đêm qua, bạn hãy dành một phút để xem mình có thể mô tả lại bất kỳ hình ảnh hay cảm giác nào không. Thực hiện theo những bước đơn giản này sẽ giúp bạn nhớ lại toàn bộ giấc mơ.” Deirdre Barrett, tác giả của cuốn sách The Committee of Sleep, cho biết.
Những người uống bổ sung vitamin B6 trước khi đi ngủ có thể dễ dàng nhớ lại giấc mơ của họ. Nguồn: Peter Pyw
Tác động của vitamin B6 đến giấc mơ
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Perceptual and Motor Skills vào ngày 17/4, các nhà khoa học tại Đại học Adelaide (Australia) phát hiện việc sử dụng vitamin B6 có thể giúp mọi người ghi nhớ giấc mơ của mình. Nhóm nghiên cứu đã phân tích ảnh hưởng của việc bổ sung vitamin B6 liều cao trên 100 người tham gia từ khắp nơi ở Australia. Một nửa số người tham gia uống 240 mg vitamin B6 – tương đương lượng vitamin B6 có trong 558 quả chuối – ngay trước khi ngủ trong 5 đêm liên tiếp. Trong khi đó, một nửa số người còn lại dùng thuốc giả dược. Cả hai nhóm đều không biết mình đang tham gia thử nghiệm gì.
Kết quả cho thấy, những người sử dụng vitamin B6 có thể nhớ lại 64,1 phần trăm nội dung giấc mơ. Họ báo cáo có chất lượng giấc ngủ tốt hơn và giảm mệt mỏi đáng kể sau khi thức dậy. “Các tình nguyên viên bổ sung vitamin B6 đã cải thiện khả năng nhớ lại giấc mơ so với những người dùng thuốc giả dược”, Denholm Aspy, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
“Có vẻ như giấc mơ của tôi rõ ràng và dễ nhớ hơn. Ngoài ra, tôi không hề quên đi các giấc mơ của mình trong những ngày tiếp theo”, một người tham gia thử nghiệm chia sẻ. Một tình nguyện viên khác cho biết: “Giấc mơ của tôi trở nên chân thật hơn, thật sự tôi chỉ muốn đi ngủ ngay lập tức và bắt đầu nằm mơ.”
Điều thú vị là lượng vitamin B6 mà những người tham gia hấp thụ không ảnh hưởng đến sự sống động, sự kỳ lạ hay màu sắc trong những giấc mơ của họ. Vitamin B6 cũng không tác động tới các khía cạnh khác của giấc ngủ. “Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu về tác động của vitamin B6 đến giấc mơ được thực hiện trên một nhóm người lớn và đa dạng”, Aspy cho biết.
Theo Aspy, mỗi người dành trung bình khoảng 6 năm trong cuộc đời để nằm mơ. Nếu có thể điều khiển được giấc mơ của mình, chúng ta sẽ sử dụng thời gian nằm mơ hiệu quả hơn. “Giấc mơ sáng suốt (Lucid dreaming) – hiện tượng một người nào đó biết rằng mình đang nằm mơ trong khi giấc mơ vẫn đang xảy ra – có nhiều lợi ích tiềm năng. Ví dụ, chúng ta có thể sử dụng giấc mơ sáng suốt để vượt qua những cơn ác mộng, điều trị nỗi ám ảnh, giải quyết vấn đề sáng tạo, cải thiện kỹ năng vận động và thậm chí giúp phục hồi chức năng của các chấn thương thể chất”, Aspy nói.
Nhưng để có những giấc mơ sáng suốt hiệu quả, trước tiên bạn cần phải luôn nhớ được giấc mơ của mình. Theo nhóm nghiên cứu, việc bổ sung vitamin B6 vào chế độ ăn uống hằng ngày có thể là một trong những cách để làm điều này. “Trong tương lai, chúng ta cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn để kiểm tra xem tác động của vitamin B6 có khác nhau tùy theo lượng hấp thụ từ chế độ ăn uống hay không”, Aspy nhận định.
Sử dụng hợp lý vitamin B6
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc giaAnh (NHS), vitamin B6 tan trong nước còn được gọi là pyridoxine. Nó có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm khác nhau bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, các loại trái cây (như chuối và bơ), các loại rau (như rau chân vịt và khoai tây), sữa, phô mai, trứng, thịt đỏ, gan và cá.
Vitamin B6 rất quan trọng cho sự phát triển bình thường của não, giúp hệ thống miễn dịch và hệ thần kinh luôn hoạt động tốt. NHS cho biết, lượng vitamin B6 cần thiết đối với người lớn trong độ tuổi từ 19 đến 64 là 1,4 mg/ngày cho nam giới và 1,2 mg/ngày đối với phụ nữ. Lượng vitamin này có thể được cung cấp từ một chế độ ăn bình thường.
Việc sử dụng lượng vitamin B6 từ 10 – 200 mg mỗi ngày trong thời gian ngắn không gây hại, nhưng về lâu dài sẽ dẫn đến hiện tượng mất cảm giác ở cánh tay và chân, hay còn được gọi làbệnh thần kinh ngoại biên. Do đó, mọi người không nên bổ sung lượng vitamin B6 hơn 10 mg/ngày, trừ trường hợp được tư vấn bởi các bác sĩ.