Đế chế của Mark Zuckerberg - dù không hề làm ra nội dung - lại chính là một ngôi sao truyền thông có quyền lực cực lớn. Một cơ chế để thường xuyên kiểm tra, giám sát và phê bình quyền lực của Facebook sẽ bảo vệ chính “cái tôi” và tâm hồn bạn.

Công cụ tuyệt vời của thời đại cá nhân hóa

Chắc hẳn nhiều người Việt Nam còn nhớ, hơn chục năm trước, khi chỉ có vài kênh truyền hình chính thức, một số ít chương trình được toàn xã hội tập trung theo dõi nên gây ảnh hưởng mạnh.

Thế rồi truyền hình cáp xuất hiện, đánh bại các thế lực văn hóa đại chúng cũ kỹ bằng cách đặt công chúng vào thế chủ động với quyền năng tìm kiếm thông tin phù hợp với thế giới quan của mình. Cuối cùng, Internet lại đóng vai người hùng với khả năng kéo người đọc vào làn gió tin tức trực tuyến, mở ra thời đại thông tin hoàn toàn cá nhân hóa.

Tính năng cập nhật chủ đề “nóng” (trending news) trên Facebook. Ảnh: Theverge
Tính năng cập nhật chủ đề “nóng” (trending news) trên Facebook. Ảnh: Theverge

Facebook là một công cụ chưa từng có trong lịch sử truyền thông với tính năng tìm kiếm và gợi ý bạn bè. Khả năng tùy biến thông tin cũng có thể làm hài lòng gần như mọi người dùng: Tin tức có thể được chắt lọc từ vô số nguồn khác nhau, được gia giảm đúng theo khẩu vị riêng của độc giả.

Facebook còn cho phép người dùng tự quyết định nguồn cung cấp thông tin, trở thành MC chương trình truyền hình của chính mình bằng cách chia sẻ các bài viết, video hay thậm chí quay phát trực tiếp. Với Facebook, mọi người ở mọi trình độ, mọi thế giới quan đều có thể tự tạo một sân chơi riêng với hệ thống khán giả riêng.

Trending news - công cụ mới của Facebook ra đời năm 2014 - là một trong những mảnh đất màu mỡ nhất vương quốc Internet. Nó cung cấp danh sách chủ đề mà mọi người đang quan tâm và kết nối các bài báo khác nhau về chủ đề đó. Mỗi tuần có khoảng 600 triệu người xem một tin tức mới trên Facebook.

Thành công của Facebook vẫn được cho là bắt nguồn từ sự kết hợp giữa các thuật toán chọn lọc và phát tán thông tin, vai trò của người dùng trong phương thức lựa chọn thông tin phân cực hóa và xu hướng cá nhân hóa bắt buộc trong hoạt động thương mại.

Người dùng Facebook bị “dắt mũi”

Có một điểm đặc biệt quan trọng khi bạn muốn sử dụng thông tin trên Facebook: Quan điểm của bạn có thể sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn tìm hiểu vấn đề trên Facebook.

Nhiều người cho rằng, sự phân cực hóa và cá nhân hóa khiến mạng xã hội này không có nhiều cơ hội trở thành một biểu tượng quyền lực có khả năng định hướng nhận thức của tuyệt đại đa số công chúng - như điều từng xảy ra với truyền hình hay radio.

Nhưng không ít ý kiến đã bắt đầu nhìn nhận Facebook là đại diện cho một kỷ nguyên tập quyền hoàn toàn mới - thông qua cách thức mọi người tiếp nhận thông tin cho mình. Theo đó, đế chế của Mark Zuckerberg - dù không hề làm ra nội dung - lại chính là một ngôi sao truyền thông có quyền lực cực lớn.

Chuyện lùm xùm mới đây về tính năng cập nhật chủ đề “nóng” (trending news) chính là một chủ đề gây lo ngại nhiều nhất về tính chất không thiên vị của Facebook. Theo các tin tức được tiết lộ, trending news không hề chỉ được điều hành bằng thuật toán mà được xử lý bởi một nhóm làm tin. Người làm tin có quyền lựa chọn câu chuyện nào sẽ có mặt trong mục trending và quan trọng hơn, trang tin nào sẽ được liên kết với mỗi chủ đề.

Vì được xử lý bởi con người với thế giới quan riêng nhất định, những tin tức dẫn dắt người đọc trên trending news nhiều khi sẽ tùy thuộc vào việc ai đang ở trong ca trực.

Không chỉ có thế, người làm tin cũng có thể đưa lên một tin tức ngay cả khi nó chưa đạt các chuẩn mực theo thuật toán, nếu họ cho rằng điều đó là cần thiết. Tin tức về bản thân Facebook cũng không hề xuất hiện một cách tự nhiên. Người làm tin được yêu cầu lờ đi các câu chuyện về công ty.

Đối với riêng nước Mỹ, tranh cãi lớn nhất chính là việc chỉ một số rất nhỏ nhân viên làm tin có quan điểm chính trị theo trường phái bảo thủ. Theo tiết lộ, kể cả khi đủ tiêu chuẩn lựa chọn bởi các thuật toán của Facebook, tin tức liên quan đến giới bảo thủ rất dễ bị bỏ sót - trừ khi đã xuất hiện trên các trang tin chính thống như New York Times, BBC hoặc CNN…

Cần cơ chế phản biện nghiêm ngặt

Rõ ràng Facebook là một loại hình tổ chức thông tin khác biệt với tất cả các tổ chức đã có trước đó và mạng xã hội này gần như chưa vấp phải các chỉ trích thường có đối với sự thiên vị trong hoạt động truyền thông cổ điển. Đế chế truyền thông của Zuckerberg sẽ cần đến nhiều cơ chế kiểm soát và những phản biện nghiêm khắc.

Trên thế giới thông tin, những biểu tượng tưởng như tự nhiên nhất - chẳng hạn logo tùy biến theo ngày kỷ niệm của Google (Google Doodle) - cũng là một thực thể mang thông điệp, đều có tác dụng hướng con người quan tâm đến một biểu tượng, ý tưởng cụ thể nào đó. Thậm chí, ngay cả cách xây dựng các thuật toán “phi cá tính” trong lựa chọn thông tin cũng chính là một dạng truyền giáo đặc biệt, một hình thức dạy dỗ con người rằng họ nên có thế giới quan như thế nào mới là phù hợp.

Nhờ thuật toán và nhờ tính chất cá nhân hóa, mọi sự thiên lệch trên Facebook - nếu có - đều rất tinh vi. Nhưng bởi số người quá lớn đang tích cực sống bên trong cấu trúc khổng lồ của Facebook hằng ngày, mạng xã hội này có một quyền năng ghê gớm mà không tờ báo hay kênh tin tức nào từng có.

Quá trình Facebook thể hiện quyền lực diễn ra một cách vô thức. Sự vô thức và tác động tinh vi khiến cho ảnh hưởng của mạng xã hội này đến công chúng diễn ra ở tầng nhận thức sâu hơn nhiều so với chính trị thuần túy. Chẳng hạn, nếu nghi ngờ về tính thiên tả của trending news là đúng, công chúng sẽ dần dần chịu sự tác động nhiều hơn của các tin tức thuộc trường phái tự do.

Vì vậy, một cơ chế để thường xuyên kiểm tra, giám sát và phê bình quyền lực của Facebook sẽ không chỉ giúp bảo vệ quan điểm chính trị, mà bảo vệ cả “cái tôi” và tâm hồn bạn.