Trong cuốn sách Huyễn tưởng Thượng đế, mục đích chính của Richard Dawkins không phải là giải thích khoa học mà nhằm “tăng nhận thức” của độc giả về vấn đề cả đời ông theo đuổi – đó là chứng minh rằng ý niệm Thượng đế là không cần thiết và không tồn tại một Đấng Tối cao toàn năng nào cả.
Richard Dawkins (1941) là nhà tập tính học và sinh học tiến hóa người Anh; thành viên của Royal Society. Ông từng giảng dạy ở Đại học Oxford và nổi tiếng bậc nhất trong vai trò một học giả phổ biến khoa học và lý thuyết tiến hóa.
Năm 1976, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên mang tên Gene vị kỷ (tên tiếng Anh: The selfish gene), trong đó ông cố gắng cải chính điều mà ông gọi là những hiểu lầm phổ biến về thuyết tiến hóa của Darwin. Dawkins lập luận rằng chọn lọc tự nhiên diễn ra ở cấp độ gene chứ không phải cấp độ loài hay cá thể như thường được giả định. Ông nhấn mạnh rằng gene sử dụng cơ thể của các sinh vật sống để tiếp tục sống sót. Cuốn sách mau chóng có được tiếng vang không chỉ bởi những luận điểm trong đó mà còn bởi “văn phong” đặc biệt khiến nó trở nên dễ tiếp cận với khán giả phổ thông.
Trong cuốn sách Huyễn tưởng Thượng đế, mục đích chính của Richard Dawkins không phải là giải thích khoa học mà nhằm “tăng nhận thức” của độc giả về vấn đề cả đời ông theo đuổi - đó là chứng minh rằng ý niệm Thượng đế là không cần thiết và không tồn tại một Đấng Tối cao toàn năng nào cả. Dawkins luôn tự hào tuyên bố mình là người vô thần, ông khẳng định: “Điều đó có nghĩa là dám đứng cao ngẩng mặt nhìn tới chân trời xa, vì thái độ vô thần gần như bao giờ cũng biểu thị một sự độc lập lành mạnh về trí tuệ và quả thực biểu thị một tâm hồn lành mạnh.”
Ông nhấn mạnh niềm tin vào Thượng đế không chỉ là một huyễn tưởng mà hơn hết, đó là một huyễn tưởng “nguy hại”. Trong lời tựa cuốn sách, ông viết: “Hãy tưởng tượng, một thế giới không có tôn giáo, không có những kẻ đánh bom tự sát, không có ngày 11/9, không có ngày 7/7, không có những cuộc Thập tự chinh,… không có những cuộc hành quyết người Do thái vì bị coi là những kẻ ‘giết đấng Kitô’…”
Theo thang từ 1 đến 7 trong đó 1 là sự xác tín Thượng đế tồn tại và 7 là sự xác tín Thượng đế không tồn tại, ông tự đánh giá mình ở ngưỡng 6: “Tôi không thể biết chắc nhưng luôn nghĩ rằng Thượng đế là điều rất khó tin, tôi sống đời mình trên giả định rằng Người không hề tồn tại.”
Cuốn sách “đại chống Chúa” của Dawkins thực ra đã có một tiền thân kinh điển, đó là bài tiểu luận nổi tiếng năm 1927 của Bertrand Russell mang tên Tại sao tôi không phải là một Kitô hữu? (tên tiếng Anh: Why I am not a Christian?). Trước tiên, cuốn sách đặt ra mối hoài nghi về sự tồn tại của Thượng đế (Thượng đế nhân xưng, đấng toàn năng, toàn giác, đấng sáng tạo ra thế giới và đồng thời quan tâm đến nhất cử, nhất động của con người). Thứ hai, cuốn sách nêu những lý lẽ để ủng hộ giả thiết đối nghịch cho rằng Thượng đế không tồn tại. Thứ ba, cuốn sách đặt ra những hoài nghi về nguồn gốc của tôn giáo bằng cách trình bày cho độc giả thấy mọi tôn giáo đều có một lý giải thuần túy tự nhiên. Cuối cùng, cuốn sách đề xuất con người hoàn toàn có thể sống hạnh phúc và ý nghĩa mà không cần phải thờ phụng một vị thần nào và tôn giáo không phải là một chỗ dựa cần thiết của luân lý.
Ngay từ đầu, Richard Dawkins đã không phủ nhận những cảm nhận tôn giáo sâu sắc, ông thường xuyên trích dẫn Albert Einstein như là một khoa học gia không có niềm tin hữu thần nhưng luôn có cảm hứng tôn giáo bất tận từ vũ trụ rộng lớn: “Tôi không có niềm tin vào Thiên Chúa nhân xưng và tôi chưa bao giờ phủ nhận điều này mà còn bày tỏ một cách rõ ràng. Nếu như có điều gì đó ở tôi có thể được gọi là tôn giáo thì đó là sự ngưỡng mộ vô giới hạn dành cho công trình của thế giới này bao lâu khoa học của chúng ta còn khám phá ra nó.”
Trong phần cuối cuốn sách, Dawkins thừa nhận: “Nếu việc hạ bệ Thượng đế sẽ để lại một khoảng trống thì những người khác sẽ lấp đầy vào khoảng trống ấy theo những cách khác nhau.” Sau khi dùng cây búa tạ để đập bỏ huyễn tượng về Thượng đế, điều quan trọng hơn hết là mỗi người chúng ta dựng xây trong tâm trí một mô hình về thế giới tương thích với chính mình. Dawkins chọn lấp đầy khoảng trống đó bằng nỗ lực dùng khoa học và lương tri để tìm ra sự thật về thế giới. Ông tin tưởng rằng chúng ta có thể tạo ra một mô hình thế giới phong phú hơn rất nhiều những mô hình thực dụng, tầm thường và quá ám ảnh bởi một đấng sáng thế mà tổ tiên ta cần tới để sống sót.