Nhưng các nhà khoa học tin rằng một đạo quân bồ câu đô thị nên được tuyển dụng, để giúp ngăn ngừa việc lây lan bệnh và độc tố khi chúng hoạt động như là những máy tầm soát sinh học thường xuyên.
Theo các chuyên gia, chim hoang dã mang tiếng là thứ gây hại, nhưng khả năng trải rộng và chiếm toàn bộ các nơi của một đô thị có thể được khai thác để theo dõi các độc tố và các bệnh gây hại cho con người.
Rebecca Calisi-Rodriguez, đại học California, tin rằng chim bồ câu là một công cụ hoàn hảo để theo dõi các chất gây ô nhiễm, vì chúng sống nhờ rác thải của con người, do đó sống cùng những khu vực với dân cư đô thị và bị phơi nhiễm cùng những chất gây ô nhiễm.
Nhóm nghiên cứu ở California cho rằng chim bồ câu có thể là “chim hoàng yến trong mỏ than”, vì chúng “đi bộ trên cùng các vỉa hè, hít thở cùng không khí và ăn cùng thực phẩm như con người”.
Chim câu hoang ở thành phố vốn bị coi là chuột biết bay. Nhưng các nhà khoa học cho rằng đó là những sinh vật giám sát liên tục ô nhiễm và bệnh tật của con người. Ảnh: TL
“Chim bồ câu tồn tại bên cạnh chúng ta từ lâu đời, ăn cùng loại thực phẩm, uống và phơi nhiễm cùng các nguồn nước, đất, không khí, ô nhiễm”, TS Calisi-Rodriguez, giáo sư sinh học thần kinh, sinh lý học và hành vi, nói. “Chúng chiếm một chỗ ở rất nhỏ, sống mãn đời trong một vài khu phố lân cận. Và vì chúng sống, chúng nhiễm các hoá chất đó vào cơ thể. Điều đó tạo cơ hội không phải chỉ để phát hiện các điểm độc hại trong môi trường của chúng ta, mà còn am hiểu các chất đó tác động đến sinh học như thế nào”.
Ở Anh đang có khoảng 18 triệu bồ câu hoang, nên các nhà khoa học sẽ có một nguồn cung chim rất nhiều để biến chúng thành các “máy giám sát sống”.
Trong một nghiên cứu mới đây, nhóm California đã tìm hiểu xem chim bồ câu có thể làm nổi bật các khu vực bị ô nhiễm chì nặng. Mặc dầu chì bị cấm đưa vào sản phẩm từ nhiều thập kỷ, vì chì gây hại cho phát triển não, kim loại nặng này vẫn hiện diện trong nhiều thành phố, thường là trong sơn dùng để sơn đồ đạc trên đường phố hoặc các thiết bị dành cho trẻ em.
GS Calisi-Rodriguez đã nghiên cứu máu của chim bồ câu và trẻ em sống ở New York giữa năm 2010 và 2015, và phát hiện ra rằng cả chim và người ở cùng những khu phố đều có các mẫu chì tương tự trong máu. Nhóm cũng đã nhận được tài trợ để bắt đầu nghiên cứu những độc tố khác, trong đó gồm thuốc trừ sâu, chất chống cháy, bisphenol A, và các kim loại nặng khác. Họ thậm chí còn theo dõi sự hình thành gien của chim để xem sự căng thẳng ảnh hưởng đến AND như thế nào.
“Chim, cũng như chúng ta, đều là loài xương sống”, GS Calisi-Rodriguez nói. “Chúng ta chia sẻ rất nhiều lịch sử tiến hoá, và cơ thể của chúng ta có nhiều tương đồng dưới dạng mô và chức năng. Chẳng hạn, cũng như con người, chúng tiết ra sữa. Chúng sản sinh sữa diều trong các bầu diều của chúng để nuôi chim con khi chúng nở. Quá trình này được kiểm soát bởi cùng những hormone kiểm soát việc sản xuất sữa của con người, và cả hai loại sữa có những dưỡng chất mà các sinh vật non cần để sống. Nên như chúng ta thấy, những gì chúng ta biết được từ chim có thể có những hàm dụng sâu sắc”.
Nghiên cứu được trình bày tại hội nghị AAAS (hiệp hội Khoa học Mỹ) hàng năm ở Austin, Texas.