Nơi ở và làm việc của Phó tổng thống Philippines tại Manila là một điểm thu hút sự tò mò của nhiều du khách. Tòa nhà còn được gọi là "cung điện dừa" hay Tahanang Pilipino vì ngoại thất của công trình được làm từ cây dừa.
Phần mái nhà làm từ gỗ dừa, trong khi các cột nhà làm bằng thân dừa với phần gần rễ. Gỗ dừa còn có thể lát sàn, thảm làm từ xơ dừa và giấy dán tường kết từ lớp xơ vỏ. Chiếc đèn chùm lớn được kết từ 101 vỏ dừa rất ấn tượng, còn bàn ăn làm bằng 40.000 mảnh nhỏ dính lại với nhau.
|
Cung điện được làm từ cây dừa. Ảnh: Hoagland.
|
Người ta tính toán được 70% cấu trúc của cung điện này làm từ cây dừa. Mọi thứ từ gốc tới thân, vỏ cây, quả, hoa được thiết kế trang trí cho cung điện. Công trình này như một biểu tượng thể hiện sự đa dạng mà con người khai thác các công dụng từ cây dừa. Bởi vậy, người Philippines gọi cây dừa là "loài cây của sự sống".
Cung điện dừa cũng từng mang tai tiếng. Nó được xây dựng dưới thời cố tổng thống Ferdinand Marcos, cùng vợ là Imelda Marcos, những người sở hữu khối tài sản 10 tỷ USD được cho là tham nhũng trước khi bị lật đổ. Với số tiền bất hợp pháp, hai người đã mua vài ngôi nhà ở Mỹ và cả Philippines, hàng trăm bức tranh đắt giá của các tác giả nổi tiếng nhưVan Gogh, Rembrandt, Rafael hay Michelangelo, hoặc họ mua trang sức bằng vàng bạc, đá quý.
|
Một nhân viên bảo tàng cho khách xem một số đôi giày của vợ phó tổng thống Imelda Marcos, cạnh bức chân dung vẽ bà trong bảo tàng giày ở Manila. Ảnh: Ted Ajibe.
|
Imelda Marcos đã sống một cuộc đời xa hoa và có cả một tủ lớn đựng hàng nghìn đôi giày. Bộ sưu tập giày của bà hiện được trưng bày trong bảo tàng Marikina ở Manila.
Chính Imelda Marcos có ý tưởng lập dị là xây một nhà khách sang trọng với tên "cung điện dừa" để đón Giáo hoàng Pope John Paul II khi ông tới thăm Philippines vào năm 1981. Tuy nhiên Giáo hoàng biết được để xây tòa nhà tốn tới 37 triệu peso (hay 10 triệu USD) nên từ chối bước vào, vì ông biết đây là một ngôi nhà đắt đỏ xây ở nơi vẫn còn nhiều người dân nghèo khó.
Trong khi Giáo hoàng từ chối, Imelda lại đón được các ngôi sao Hollywood như Brooke Shield và George Hamilton tới để mở tiệc. Về sau cung điện trở thành một nơi tổ chức lễ cưới hay tiệc lớn rồi mới thành văn phòng và nhà ở của phó tổng thống. Tới năm 2011, cung điện dừa được mở cửa để phục vụ các tour tham quan.
|
Bể bơi bên trong khuôn viên cung điện dừa. Ảnh: Flickr.
|