Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới; tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây cũng là sự kiện quan trọng ghi dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng, bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 (Ảnh: Tư liệu TTXVN). |
Ngay từ cuối năm 1953 đầu năm 1954, khi bắt đầu triển khai Kế hoạch Na-va, phát hiện sự di chuyển của quân ta lên hướng Tây Bắc, tướng Henri Navarre đã quyết định tăng cường lực lượng và xây dựng Điện Biện Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh. Theo đánh giá giới quân sự Pháp và Mỹ thì Điện Biên Phủ ở vị trí chiến lược quan trọng chẳng những đối với chiến trường Đông Dương mà còn đối với miền Đông Nam Á. Một trục giao thông nối liền các miền biên giới Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc. Nó như “cái bàn xoay” có thể xoay đi bốn phía Việt Nam, Lào, Miến Điện, Trung Quốc; đồng thời là “cái chìa khóa” để bảo vệ Thượng Lào, từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất. Bởi vậy, thực dân Pháp đã điều động và bố trí lực lượng ở Điện Biên Phủ lúc cao nhất lên đến 16.200 quân cùng nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, tại 49 cứ điểm với 3 phân khu: Phân khu Bắc, Phân khu Nam và Phân khu Trung tâm.
Trước âm mưu và hành động mới của địch, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị đã tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ. Theo đó, Bộ Chính trị đã thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng; đồng chí Lê Chiêm - Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp. Đánh giá tầm quan trọng của chiến dịch này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
|
Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa lần 1, chuẩn bị tác chiến “Đánh nhanh, thắng nhanh”. |
Để tạo điều kiện thuận lợi cho trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ, song song với công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở 5 đòn tiến công chiến lược vào Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Cam-pu-chia, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào. Qua đó, ta vừa tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, vừa buộc địch phải phân tán lực lượng, Kế hoạch Na-va không thực hiện được theo dự kiến, muốn tập trung nhưng lại buộc phải phân tán binh lực, muốn giành quyền chủ động nhưng càng bị động đối phó.
Trước tình hình mới do sự tăng cường của địch ở Điện Biên Phủ, sự bố trí lực lượng, trận địa của địch đã thay đổi, đặc biệt là quán triệt nguyên tắc chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh chắc thắng”, tại cuộc họp Đảng ủy Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là một quyết định khó khăn nhất, nhưng là một chủ trương kịp thời, chính xác phù hợp với thực tế toàn chiến trường và tình hình cụ thể của Mặt trận.
Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm: Đại đoàn 308 (3 trung đoàn 102, 88 và 36), Đại đoàn 312 (3 trung đoàn 141, 209 và 165), Đại đoàn 316 (2 trung đoàn 98, 174 và một tiểu đoàn của Trung đoàn 176) và Trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304. Hỏa lực có Đại đoàn Công pháo 351 gồm: Trung đoàn Pháo binh 45, Trung đoàn Sơn pháo 675, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 và 2 đại đội súng máy cao xạ 12,7mm (24 khẩu). Tổng số quân chủ lực của ta khoảng 40.000 người, nếu tính cả tuyến hai thì quân số lên tới 55.000 người. Lực lượng phục vụ chiến dịch có: 628 ô tô vận tải, 21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng nhiều tàu thuyền, lừa ngựa… Sau khi công tác chuẩn bị mọi mặt đã hoàn thành, thế trận chiến dịch được triển khai xong, các đơn vị sẵn sàng nổ súng.
|
Pháo binh ta đồng loạt tiến công quân Pháp ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu). |
Đợt 1 (từ 13 - 17/3/1954): 16 giờ ngày 13/3, pháo binh ta bắn chi viện cho Đại đoàn 312 tiến công Him Lam. 17 giờ ngày 13/3, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt và bắt 470 địch, thu và phá hủy 450 súng các loại. Đây là trận đánh then chốt mở màn chiến dịch có sự hiệp đồng binh chủng đạt hiệu suất chiến đấu cao, góp phần phá vỡ tuyến phòng thủ ngoại vi của địch, tạo thế uy hiếp trung tâm Mường Thanh từ hướng Bắc và Đông Bắc. Đêm 14/3, theo kế hoạch, ta mở cuộc tiến công vào trung tâm đề kháng đồi Độc Lập nhưng do thời tiết xấu, sơn pháo 75 và cối 120 mm không vào kịp nên đến 3 giờ 30 phút ngày 15/3, cuộc tiến công mới bắt đầu. Sau 3 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt 482 tên, bắt 200 tù binh. Tiếp đó, ngày 17/3, ta tiến công kết hợp địch vận, lực lượng quân địch ở Bản Kéo đầu hàng. Đợt 1 chiến dịch kết thúc.
|
Đoàn xe đạp thồ trên đường lên Điện Biên Phủ. |
Đợt 2 (từ 30/3 - 30/4/1954): 17 giờ ngày 30/3, pháo binh chiến dịch bắn chuẩn bị, mở màn đợt 2 chiến dịch, tiến công vào các cứ điểm phía Đông. Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã chiếm được các cứ điểm E, D1, D2, C1, 106 và 311, thu hẹp phạm vi chiếm đóng, gây tổn thất cho lực lượng của địch. Mặc dù vậy, ta chưa tiêu diệt được các cứ điểm A1, C2 ở phía Đông Nậm Rốn và cứ điểm 105 ở phía Bắc sân bay Mường Thanh. Đến ngày 8/4, địch tăng viện lên Điện Biên Phủ tiểu đoàn dù thứ 4 và tổ chức phản kích chiếm lại C1. Đến ngày 10/4, ta và địch mỗi bên chiếm một nửa đồi. Đến ngày 16/4, chiến hào của Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 nối liền nhau ở giữa sân bay Mường Thanh, cắt đôi đường cất, hạ cánh của sân bay. Đêm ngày 18/4, ta tiến công làm chủ cứ điểm 105. Đêm 22/4, sau nhiều ngày vây, lấn, ta tiêu diệt gọn cứ điểm 206 và đánh bại nhiều đợt phản kích của địch. Đến 28/4, địch không thể sử dụng được sân bay Mường Thanh nữa. Sau đó, kết hợp với vây hãm, đánh lấn, các đơn vị tiếp tục luồn sâu, đoạt dù tiếp tế, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Đợt 3 (từ 1 - 7/5/1954): Ngày 1/5, bộ đội ta đồng loạt tiến đánh nhiều vị trí. Trên dãy đồi phía Đông, ta nhanh chóng tiêu diệt gọn cứ điểm C1, vây lấn và chuẩn bị tiến công tiêu diệt C2. Sáng 2/5, ta làm chủ hai cứ điểm 505 và 505A. Ở phía Tây, cứ điểm 311A bị tiêu diệt. Ở Phân khu Hồng Cúm, quân địch tiếp tục bị diệt. Đêm 3/5, cứ điểm 311B bị tiêu diệt, Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị uy hiếp nghiêm trọng. Đến 17 giờ ngày 6/5, quân ta mở cuộc tiến công tiêu diệt cứ điểm A1. Ta cho nổ khối bộc phá gần 1.000 kg đặt dưới đường hầm đào sâu vào cứ điểm địch, đồng thời bộ đội từ 3 hướng đồng loạt xung phong. Đến 4 giờ 30 phút ngày 7/5, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm A1. Thắng lợi của trận tiến công đồi A1 góp phần quyết định cho chiến dịch chuyển sang tổng công kích giành toàn thắng. Đến 17 giờ 30 phút ngày 7/5, Đờ Cát-xtơ-ri cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường và anh dũng trong điều kiện “khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn…”, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 sinh lực địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự, bắn rơi nhiều máy bay; xóa sổ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương của Quân đội Pháp.
|
Tướng Christian de Castries cùng toàn bộ Bộ chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ ra hàng. |
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần đánh bại Kế hoạch Na-va, làm tiêu tan hy vọng của Pháp và can thiệp Mỹ hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông Dương, tìm “lối thoát danh dự”; đồng thời tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định đến việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Đó là “một cái mốc chói lọi bằng vàng” trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Điện Biên Phủ là một trong những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam, là đòn tiến công tiêu diệt lớn nhất của quân đội ta, quyết định “số phận” quân đội viễn chinh Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Chiến thắng đó không những là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh, tính sáng tạo và độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chủ động, sáng tạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, trực tiếp là Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, mà còn thể hiện tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường của quân và dân ta.
|
Lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm tướng de Castries. |
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi mới thành lập, Quân đội ta mới có 34 chiến sỹ với vũ khí thô sơ, tầm vông, giáo mác, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng mạnh, trưởng thành về mọi mặt, góp phần làm nên một Điện Biên Phủ. Đây là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vững tin dám đánh, quyết đánh và đánh thắng Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Người dân thủ đô chào mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ. |
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi sâu theo dòng chảy của thời gian nhưng ý nghĩa và giá trị lịch sử của nó vẫn còn nguyên giá trị đối với dân tộc Việt Nam và cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới; xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.