Một tên tuổi lớn trong khoa học có thể “hút hết hàm lượng ôxy trí tuệ” của các đồng nghiệp, và cái chết của “ngôi sao” sẽ tạo ra nhiều không gian sinh tồn hơn cho phần còn lại. Đó là kết quả một nghiên cứu vừa công bố của Phòng Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER).
Khoa học hưởng lợi từ cái chết của “ngôi sao”Max Planck - tác giả thuyết lượng tử - từng nói rằng khoa học sẽ đi lên phía trước với các bước tiến tính theo từng đám tang, nghĩa là cái chết của mỗi cá nhân kiệt xuất trong khoa học có thể giải phóng năng lực những người còn lại.
Đó có thể là những đồng nghiệp mang quan điểm khác biệt nhưng chưa có cơ hội phát triển tự do vì không thoát khỏi cái bóng quá lớn của người đi trước. Sự ra đi của vĩ nhân cũng sẽ dẫn đến thay đổi cách thức gây quỹ và tài trợ nghiên cứu - vốn được thiết kế tương ứng với “trật tự xã hội” cũ.
Ý của Planck chính xác đến đâu? Đó là chủ đề mà TS Pierre Azoulay thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts dành gần một thập niên nghiên cứu và vừa công bố kết luận cuối cùng trong một bài báo khoa học của NBER.
Năm 2010, TS Azoulay từng tuyên bố Planck sai, rằng sự ra đi của một “ngôi sao” làm giảm hiệu suất công bố khoa học của các cộng sự và hiện tượng này có thể kéo dài đến hàng chục năm sau; nhưng các cuộc thảo luận sau đó khiến ông nghi ngờ rằng kết luận của mình mới chỉ nêu một phần sự thật.
Một số nhà khoa học mà Azoulay tiếp xúc cho rằng sự tỏa sáng rực rỡ của “ngôi sao lớn” thu hút hết lượng ôxy cần thiết cho sự phát triển của lĩnh vực khoa học. Do đó, sự ra đi của “ngôi sao” sẽ giúp các nhân tố còn lại phát triển.
Sự sống nảy sinh từ cái chếtAzoulay và cộng sự quyết định dành thời gian nghiên cứu thêm. Họ tập trung khảo sát 452 tác giả thuộc ngành sinh học ở Mỹ giai đoạn 1975 - 2003, với đặc điểm chung là tuổi thọ không cao, nghĩa là họ mất trước khi nghỉ hưu, khi vẫn nghiên cứu tích cực hay giữ vị trí quản lý. Nói cách khác, họ đang ở đỉnh cao nhất sự nghiệp.
Các tác giả định nghĩa “mức độ tỏa sáng về khoa học” dựa trên các tiêu chí: Số bằng sáng chế họ sở hữu, số tiền tài trợ họ nhận được và các công bố khoa học được trích dẫn rộng rãi.
Dữ liệu trên mạng được thu thập để thống kê số công bố khoa học của các nhà sinh học trước và sau cái chết của một tên tuổi lớn. Dữ liệu nghiên cứu bao gồm cả các cộng sự của nhà khoa học hàng đầu đã quá cố và những người không cộng tác với “ngôi sao sáng” đó.
Kết quả ban đầu đã xác nhận sự chính xác của nghiên cứu mà Azoulay công bố năm 2010: Các cộng sự của “ngôi sao khoa học” đã xuất bản ít công trình hơn sau khi đồng nghiệp lớn mất đi - với tỷ lệ trung bình năm thấp hơn 40%.
Nhưng Azoulay và các cộng sự cũng phát hiện một hiệu ứng ngược lại: Số công bố của những nhà khoa học không cộng tác với “ngôi sao” quá cố (một số người thực tế đôi khi còn làm việc trong các lĩnh vực hoàn toàn khác tại thời điểm xảy ra cái chết của “ngôi sao”) đã tăng với tỷ lệ 8% mỗi năm. Trong vòng 5 năm sau khi cái bóng quá lớn mất đi, số công bố tăng thêm của những tác giả này đã hoàn toàn đủ để bù đắp cho phần thiếu hụt từ các đồng nghiệp của người quá cố.
“Hàm lượng Ôxy trí tuệ”Không quá khó hiểu khi cái chết của “chim đầu đàn” tạo ra một thời gian khó khăn cho sự nghiệp của các cộng sự gần gũi; nhưng nguyên nhân khiến những người còn lại được hưởng lợi từ mất mát này thì chưa rõ ràng.
Theo tiến sỹ Azoulay, trong số những “ngôi sao” quá cố mà ông nghiên cứu, rất ít người hiện diện trong các hội đồng có chức năng phân bổ kinh phí nghiên cứu hay biên tập các tạp chí khoa học, do đó lý do thiên vị không hẳn là câu trả lời chính xác. Có lẽ lời giải thích nằm trong hình tượng có tính ẩn dụ nhưng hợp lý: “Hàm lượng ôxy trí tuệ”. Cái chết của một “ngôi sao” sẽ tạo ra nhiều không gian sinh tồn hơn cho phần còn lại.
Giả thuyết của Azoulay có thể được kiểm chứng bằng thực nghiệm hay không? Câu trả lời cũng là “có”, mặc dù cách thức kiểm chứng có phần “không phải” cho lắm theo quan niệm truyền thống.
Trong vòng vài năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến sự ra đi của một số nhà khoa học khi vẫn còn trên đỉnh cao sự nghiệp và có tầm ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực của họ. Đó là David Flockhard - người đã tạo ra lĩnh vực y học cá nhân hóa, là Yoshiki Sasai - nhà sinh học tế bào gốc xuất chúng, là Allison Doupe - nhà sinh học thần kinh nghiên cứu tiếng hót của chim làm mô hình cho ngôn ngữ con người.
Sẽ rất thú vị nếu chúng ta có thể trực tiếp theo dõi và kiểm chứng sự thay đổi trong sự nghiệp của các đồng nghiệp của họ sau khi “hàm lượng ôxy trí tuệ” đã trở nên dồi dào hơn trong vài năm tới.