Các nhà khoa học làm việc với NASA cho rằng, một phi hành gia có tính cách hài hước sẽ quyết định thành công của sứ mệnh đầu tiên tới Sao Hỏa.

“Tôi nên chọn dáng nào? Kiểu dạ hội trung học – hay kiểu cô gái ngây thơ?” – nhân vật phi hành gia Mark Watney trong The Martian minh họa về một mẫu tính cách hài hước cần thiết cho các chuyến bay dài ngày trong vũ trụ. Ảnh: 20th Century Fox.

Giống như nhân vật Mark Watney trong bộ phim ăn khách “Người về từ Sao Hỏa” (The Martian), người được lựa chọn trở thành nhà du hành đầu tiên đến Hành tinh Đỏ phải là người có khiếu hài hước.

Đó thực sự là vấn đề đang được nghiên cứu bởi một nhóm nhà khoa học tại NASA. Khác với phong cách bình tĩnh lạnh lùng như ở các sứ mệnh Apollo chinh phục Mặt trăng, nghiên cứu mới cho thấy có một người hài hước là cách tốt nhất để giúp phi hành đoàn giữ tinh thần đoàn kết trong các tình huống căng thẳng.

Jeffrey Johnson, nhà nhân học từ Đại học Florida, cho biết, “Người có tính cách hài hước giúp kéo mọi người lại gần nhau, và thu hẹp khoảng cách khi căng thẳng xuất hiện và nâng cao tinh thần”. “Khi bạn sống cùng với nhiều người khác một thời gian dài trong một không gian chật hẹp, như trong sứ mệnh lên Sao Hỏa chặng hạn, căng thẳng rất dễ phát sinh. Do đó nhất thiết phải có ai đó có thể giúp mọi người hòa thuận để tiếp tục thực hiện công việc của mình, đến [Sao Hỏa] và trở về an toàn. Nhiệm vụ đó là tối quan trọng.”

Johnson đã dành bốn năm để nghiên cứu hoạt động của các đoàn thám hiểm mùa đông ở Nam Cực và xác định tầm quan trọng của người hài hước, người lãnh đạo, bạn thân, người kể chuyện, người hòa giải hay người cố vấn trong việc gắn kết các nhóm với nhau và khiến các nhóm làm việc trôi chảy. Ông phát hiện thấy sự phối hợp tương tự [giữa các tính cách] có hiệu quả trong các nhóm thám hiểm không chỉ của Mỹ, mà cả Nga, Ba Lan, Trung Quốc và Ấn Độ.

“Những vai trò này là không chính thức, chúng nổi lên từ bên trong nhóm. Nhưng điều thú vị là nếu bạn có sự kết hợp hợp lý thì nhóm sẽ vận hành rất tốt. Và nếu bạn không làm được như vậy, nhóm sẽ hoạt động rất tệ”, ông nói.

NASA hiện có kế hoạch đưa các phi hành gia quay trở lại Mặt Trăng vào năm 2023, như là một phần của sự chuẩn bị cho nhiệm vụ thám hiểm Sao Hỏa vào đầu năm 2033. Các cơ quan vũ trụ Nga và Trung Quốc đã đưa ra mục tiêu xây dựng các chuyến thám hiểm có người từ năm 2040 trở đi. Các công ty tư nhân như SpaceX của Elon Musk cũng đã đặt mục tiêu đến hành tinh Đỏ.

Nhưng đến Sao Hỏa không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Khoảng cách xấp xỉ từ Trái đất đến đó là 54,6 triệu km và thời gian di chuyển mỗi chiều sẽ là khoảng 8 tháng bằng tàu vũ trụ. Khoảng cách xa tự nó sẽ gây áp lực tâm lý, nhưng thêm vào đó, các phi hành gia cũng phải đối mặt với độ trễ thời gian trong liên lạc, lên tới 20 phút mỗi chiều. Trong các trường hợp khẩn cấp, phi hành đoàn sẽ không có đủ thời gian để gọi về trung tâm điều khiển – họ phải tự mình giải quyết vấn đề.

Chỉ một sự chậm trễ nhỏ trong liên lạc cũng đủ tác động xấu tới toàn bộ phi hành đoàn. Khi NASA thử nghiệm độ trễ liên lạc 50 giây với các phi hành gia trên trạm vũ trụ quốc tế, họ thấy sự an tâm sụp đổ và cảm giác thất vọng gia tăng, các phản ứng dây chuyền giúp công việc tiến hành hiệu quả biến mất.

Johnson hiện đang làm việc với NASA để khám phá liệu vai trò của cá nhân hài hước và các cá tính khác có quan trọng cho sự thành công của các nhiệm vụ dài ngày trên không gian hay không. Đến nay, ông đã theo dõi 4 nhóm phi hành gia dành 30 đến 60 ngày làm việc trong mô hình mô phỏng không gian tại Cơ quan Nghiên cứu Khám phá Con người (HERA) ở Houston, Texas.

“Hiện tại chúng tôi muốn xem xét liệu các loại vai trò không chính thức này có tạo ra động lực tương tự trong môi trường mô phỏng không gian hay không”, Johnson nói tại hội nghị của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ tại Washington D.C. Theo ông, kết quả ban đầu cho thấy hiệu quả là có thật.

Johnson cũng từng nghiên cứu về những người câu cá hồi ở Alaska, và phát hiện ra rằng những người hài hước thường sẵn sàng trở thành bia đỡ đạn cho những trò đùa của đồng đội. Ở Nam Cực, ông đã quan sát việc một nhà thám hiểm để các bạn đồng hành tổ chức cho mình một đám tang giả ở ngoài trời. Nhân vật đó đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng cầu nối giữa các nhà khoa học với nhau hay giữa họ với các thợ xây dựng.

Nhà thám hiểm người Na Uy Roald Amundsen cũng từng đánh giá cao tầm quan trọng của các nhà thám hiểm vui tính, Johnson nói. Năm 1910, Amundsen chọn anh đầu bếp to béo, vui tính Adolf Lindstrøm cùng tham gia với mình trong hành trình đến Nam Cực, vì ông biết rằng tính cách sống động của Lindstrøm sẽ làm giảm căng thẳng và nỗi nhớ nhà trong những đêm cực dài của mùa đông địa cực. “Công việc anh ấy làm có giá trị cho chuyến thám hiểm Nam Cực của Na Uy hơn bất kỳ người đàn ông nào khác”, Amundsen viết trong nhật ký của mình.

Johnson cho biết thêm: “Những người khác coi ông Lindstrøm là một người giải trí tuyệt vời, giúp duy trì tinh thần và kỷ luật của toàn đội trong suốt mùa đông cực dài. Vai trò của ông dù không chính thức nhưng rất quan trọng để duy trì sự gắn kết nhóm trong môi trường khắc nghiệt.”

“Đoàn thám hiểm Anh của Scott thì ngược lại. Các thành viên đoàn thám hiểm bị tách thành nhóm riêng và không thể trở thành một nhóm gắn kết.”

Nhưng, như Lindstrøm đã cho thấy, ông không chỉ làm mọi người cười. “Chỉ là người vui tính thôi thì sẽ không đủ để được giao việc”, Johnson nói thêm.

Nguồn: