Các nhà khoa học phát hiện tập tính kỳ quái của loài cá mập bí ẩn nhờ nghiên cứu những vết cắn chúng để lại trên cơ thể những con cá voi di cư.

Những vết thương có hình dạng giống hố trên cơ thể những con cá voi di cư qua những vùng biển nhiệt đới là một bí ẩn đối với giới sinh học trong nhiều năm.

Nhưng mới đây một số nhà khoa học phát hiện ra rằng một loài cá mập có hình dạng kỳ quái và sống ở tầng nước sâu là thủ phạm gây nên những vết thương trên cơ thể cá voi, Daily Mail đưa tin. Họ gọi chúng là cá mập chó.

Với chiều dài cơ thể trung bình 50 cm, cá mập chó sống ở độ sâu 1.000 - 4.000 m dưới biển. Ảnh: Corbis
Với chiều dài cơ thể trung bình 50 cm, cá mập chó sống ở độ sâu 1.000 - 4.000 m dưới biển. Ảnh: Corbis

Cá mập chó - mang biệt danh khác là “quái vật cắn cá voi” – có tên khoa học làIsistiusspecies. Sống ở độ sâu từ 1.000 tới 4.000 m dưới biển, hàng ngày chúng ngoi lên mặt nước để rỉa thịt những động vật lớn như cá voi.

Dù chiều dài cơ thể chỉ vào khoảng 50 cm, vết cắn của cá mập chó để lại vết thương khá lớn trên cơ thể con mồi.

Theoni Photopoulou, một nhà khoa học làm việc tại Đại học Cape Town ở Nam Phi - cùng một đồng nghiệp thu thập dữ liệu về những vụ cá mập tấn công cá voi từ cơ thể của 1.700 cá voi – bao gồm địa điểm và thời gian hành vi tấn công diễn ra. Họ phân tích những vết cắn trên xác nhiều cá voi ở trạm cá voi Donkergat trong Vịnh Saldanha trong vòng 8 tháng vào năm 1963.

"Vì những con cá voi đã chết nên chúng tôi có thể quan sát toàn thân của chúng. Với những con cá voi sống, chúng tôi chỉ có thể quan sát một số phần trên cơ thể khi chúng ngoi lên mặt nước", Photopoulou nói với New Scientist.

Những vết cắn hình tròn trên cơ thể nhiều cá voi. Ảnh: Corbis
Những vết cắn hình tròn trên cơ thể nhiều cá voi. Ảnh: Plos One

Số lượng vết cắn trên những xác cá voi khá lớn. Chẳng hạn, hai chuyên gia phát hiện 138 vết cắn trên một xác. Họ kết luận rằng thủ phạm cắn cá voi là những con cá mập chó. Chúng tấn công vào những khoảng thời gian nhất định trong năm.

"Chúng tôi nhận thấy những con cá voi thường bị cắn ở bán cầu nam vào mùa thu, mùa đông và đầu mùa xuân. Thực tế đó chứng tỏ những con cá voi di chuyển ra ngoài vùng mà cá mập chó sống từ giữa mùa xuân. Phát hiện này cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn tập tính di cư của cá voi", Photopoulou nhận xét trong bài báo trên tạp chí Plos One.