Việt Nam đã nhanh nhạy nắm bắt được xu hướng và ứng dụng hiệu quả bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, để khai thác tối đa hiệu quả của y học hạt nhân, các cơ sở y tế cần liên kết và nguồn nhân lực của ngành cần được đào tạo một cách bài bản.

Có thành tựu nhưng thiếu liên kết

Theo thống kê của Trung tâm Khoa học hạt nhân và Thông tin công nghệ của Hội Hạt nhân Hoa Kỳ, hiện nay, trên thế giới khoảng 1/3 các thủ thuật khám bệnh, điều trị bệnh trong các bệnh viện hiện đại đều xuất phát từ công nghệ bức xạ.

Đánh giá về thực tiễn ứng dụng bức xạ tiên tiến ở Việt Nam, GS-TS Trần Đức Thiệp, nguyên Viện phó Viện Vật lý – Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Ủy viên Hội đồng Phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử Quốc gia, cho biết, mặc dù tới năm 2011 Chính phủ mới đưa ra Quyết định số 1958/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020, nhưng trước đó, Việt Nam đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng và ứng dụng hiệu quả bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y tế. Thành tựu đạt được thể hiện rõ ở cả ba lĩnh vực chẩn đoán, điều trị và phòng tránh (vệ sinh, tiệt trùng để làm sạch các thiết bị trong y tế).

GS-TS Trần Đức Thiệp. Ảnh: Loan Lê

Trong chẩn đoán, các cơ sở y tế thường sử dụng tia X để chiếu, chụp tổn thương hoặc đưa vào trong cơ thể các đồng vị hạt nhân, dựa vào đó ghi nhận các bức xạ để dựng lên ảnh của các bộ phận trong cơ thể con người. Hiện tại ở Việt Nam đang có khoảng 45 thiết bị xạ hình (trên 35 máy SPECT và SPECT/CT, 9 PET/CT).

Trong chữa bệnh, theo thống kê tới tháng 6/2016, tổng số thiết bị xạ trị MV là 68 thiết bị, bao gồm 41 máy gia tốc tuyến tính LINAC, 01 Cyber-Knife, 09 máy Co-60, 06 Gamma-Knife và 11 thiết bị xạ trị áp sát liều cao (HDR). Tuy nhiên, GS Thiệp nhận xét, có một thực tế đáng buồn là các cơ sở y tế sử dụng công nghệ bức xạ lại chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Theo ông, nếu các cơ sở này liên kết với nhau để tạo thành mạng lưới các thiết bị y tế sử dụng công nghệ bức xạ thì họ có thể hỗ trợ nhau tốt hơn về nhân lực hoặc trang thiết bị.

“Hơn nữa, khi các cơ sở y tế kết nối với nhau thông qua mạng internet, người dân sẽ nắm rõ thế mạnh của mỗi cơ sở y tế để từ đó lựa chọn cho mình nơi điều trị phù hợp. Điều này cũng giúp giảm bớt sức ép về số bệnh nhân ở các bệnh viện lớn”, GS Thiệp nhấn mạnh.


Những việc có thể chủ động

Theo GS Thiệp, Việt Nam có khả năng lớn để phát triển công nghệ bức xạ trong y học hạt nhân cũng như sản xuất đồng vị, dược chất phóng xạ vì trong tương lai chúng ta sẽ được đầu tư lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất cao và các máy gia tốc phục vụ sản xuất đồng vị. Thế nhưng đến nay, việc đào tạo, nghiên cứu ở các mảng này vẫn chưa thật sự được chú trọng.

Ông dẫn ra ví dụ, về mặt kỹ thuật hình ảnh, hiện nay trong mỗi thiết bị chẩn đoán xạ hình nhập từ nước ngoài đã có chương trình tạo ảnh riêng của nhà sản xuất. Tuy nhiên Việt Nam cần phát triển phần mềm hiển thị ảnh và xử lý hình ảnh y tế nhằm nâng cao việc phục vụ chẩn đoán chính xác tổn thương, chẩn đoán sớm ung thư và lập phác đồ điều trị, tránh sự lệ thuộc vào phần mềm có giá thành cao của các hãng nước ngoài.

“Có như vậy mình mới hiểu rõ bản chất của ảnh, khi hỏng hóc cũng có thể can thiệp vào chương trình. Nghiên cứu để nâng cao chất lượng của ảnh, tận dụng kiến thức về công nghệ thông tin để bóc các lớp ảnh ra để xem xét. Những việc này hiện cũng đã có một số nhóm đang theo đuổi và bước đầu có kết quả tốt”, GS Thiệp cho biết.

Còn về việc sản xuất đồng vị, dược chất phóng xạ, theo TS Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử - tổng nhu cầu dược chất phóng xạ trong y tế của Việt Nam hiện nay là gần 1400Ci/năm, trong đó Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cung cấp gần 400Ci/năm, sản xuất trên các máy cyclotron khoảng 250Ci/năm, phần còn lại khoảng 750Ci/năm chủ yếu do các doanh nghiệp nhập khẩu.

TS Tuấn gợi ý, hiện nay, máy gia tốc nhỏ minicyclotron với các phần phụ trợ được gọi là Biomarker Generator System for Molecular Imaging của Mỹ có nhiều ưu điểm như kích thước nhỏ hơn, vận hành đơn giản hơn, cần ít cán bộ kỹ thuật hơn, tính an toàn cao hơn có thể cung cấp các dược chất phóng xạ FDG hằng ngày cho từng máy PET/CT tại chỗ. Do vậy, ông cho rằng cần nghiên cứu triển vọng ứng dụng máy gia tốc nhỏ minicyclotron để sản xuất đồng vị phóng xạ, trang bị thêm cho các máy PET/CT riêng lẻ ở các địa phương xa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Một vấn đề quan trọng khác của y học hạt nhân là xác định liều chiếu cũng như liều điều trị đưa vào trong cơ thể sao cho chính xác. Đây là một kỹ thuật phức tạp, phụ thuộc vào cả trình độ nhân lực và máy móc. Do vậy cần chăm chút, đào tạo nhân lực một cách nghiêm túc, đồng thời xem xét việc cấp giấy phép hành nghề cho họ.

Ngoài ra theo GS Thiệp y học hạt nhân là một ngành mới, thường có sự tham gia của các cán bộ vật lý hạt nhân nhưng họ không phải là bác sỹ chuyên ngành, bởi vậy cần đào tạo bổ sung và cấp cho họ một giấy phép hành nghề phù hợp.

Trong năm 2017, Bệnh viện K khai trương hệ thống gia tốc xạ trị đa mức năng lượng có bộ chuẩn trực 160 lá, được đánh giá là hệ thống xạ trị hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, giúp cho việc chiếu các khối u chính xác với các liều mong muốn. Cũng trong năm nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đưa vào vận hành hệ thống máy xạ trị - xạ phẫu hiện đại TrueBeam STX trong điều trị ung thư.