Các thống kê cho thấy chỉ khoảng 2% doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình của chính phủ, 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lại chẳng mấy mặn mà. Với các ông chủ này, chuyển đổi số là chuyện xa vời, tốn kém trong khi gánh nặng doanh số bán hàng vẫn treo trên đầu mỗi ngày.

Thực tế các chuyên gia chỉ ra rằng, chuyển đổi số chẳng phải chuyện gì to tát, có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như số hóa văn bản dữ liệu đầu vào mỗi ngày…

Dự báo của ADT Centre cho biết 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu không chuyển đổi số sẽ bị “tiêu diệt’ trong 5-10 năm tới. Nguồn: Techmart
Dự báo của ADT Centre cho biết 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu không chuyển đổi số sẽ bị “tiêu diệt’ trong 5-10 năm tới. Nguồn: Techmart

Doanh nghiệp SME chưa sẵn sàng

Tại hội thảo về chuyển đổi số dành cho doanh nghệp vừa và nhỏ được tổ chức hồi giữa tháng 12, ông Nguyễn Kim Hùng – Phó viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME) hỏi các khách mời có mặt: “Có bao nhiêu chủ doanh nghiệp SME có mặt trong hội trường?”. Kết quả, chỉ có vài cánh tay lác đác đưa lên. Điều này được ông Hùng cho rằng phản ánh đúng thái độ của phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay “không mấy quan tâm tới việc chuyển đổi số bởi còn đang lo chuyện kinh doanh”. “Chỉ những doanh nghiệp lớn doanh thu 30-40 tỷ mỗi năm trở lên mới dám nghĩ đến chuyển đổi số, quy mô 10-20 tỷ thì chưa dám nghĩ” – ông Nguyễn Kim Hùng nhận định như vậy là bởi “các doanh nghiệp này thực sự cho rằng chuyển đổi số là việc của các ông lớn”.

Một thực tế khác cũng được các diễn giả đồng tình là, doanh nghiệp vừa và nhỏ không hề chậm chạp trong tư duy, thậm chí với bộ máy nhỏ gọn, họ rất linh hoạt. Điều cốt yếu nằm ở việc, mọi hành động của họ đều phải gắn liền với giá trị kinh tế. Mỗi ngày điều bận tâm của chủ doanh nghiệp không phải chuyện đã chuyển đổi số chưa mà là “đã có bao nhiêu đơn hàng, doanh thu thế nào, thu hồi công nợ, vay vốn ra sao”, nhất là trong thời buổi khó khăn như hiện nay.

Những kinh nghiệm này của ông Nguyễn Kim Hùng cũng trùng hợp với khảo sát mà VCCI và JETRO thực hiện với hơn 400 doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2020. Trong đó, có tới 55,6% doanh nghiệp từ chối chuyển đổi số vì lý do chi phí cao, 38,9% do thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ và 32,3% thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số.

Ông Hùng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố nhân sự nội bộ. Bởi vấn đề này thực tế đã xảy ra ở những doanh nghiệp địa phương ông từng đi đào tạo về chuyển đổi số và nhận thấy khái niệm này còn rất xa xôi, khi nhiều nhân viên còn chưa sử dụng thành thạo Word, Excel… chứ đừng nói đến sử dụng các công cụ khác phức tạp hơn.

“Khi làm việc với các tỉnh, chúng tôi rơi vào tình huống trên bảo dưới không theo. Khi làm việc chủ doanh nghiệp quyết tâm lắm nhưng đến khi làm việc với nhân viên thì họ quay lại chống đối” – ông Hùng nói.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Chính phủ đặt quyết tâm đưa Việt Nam trở thành quốc gia số vào năm 2025 và với hơn 500 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tới 98,1% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam, đóng góp tới 40% GDP thì việc chuyển đổi số là chuyện bắt buộc phải làm.

“Doanh nghiệp chỉ chuyển đổi số khi nhìn thấy nỗi đau của chính mình và lúc đó họ mới được thôi thúc hành động, còn bây giờ, nếu anh giục “hãy chuyển đổi số đi” họ sẽ bảo rằng “chúng tôi đang phát triển doanh thu tốt, thời gian đi bán hàng tôi còn không có, lấy đâu để chuyển đổi số” – ông Nguyễn Văn Tuấn – Founder của Bizfly chia sẻ.

Thế nhưng, hãy thử nhìn xem, nếu như 5 năm trước, việc chuyển tiền, thanh toán chỉ là chuyện của các ngân hàng, thì giờ đây các công ty viễn thông, công ty fintech cũng nhảy vào lĩnh vực này và làm việc như một ngân hàng. Sự đe dọa này sẽ diễn ra rõ rệt hơn nữa trong vài năm tới. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ đây vừa là thách thức vừa là cơ hội. Nếu không hành động thì rất có thể dự báo 60% doanh nghiệp sẽ “chết” do không chuyển đổi số trong 5-10 năm tới của DBT Center có lẽ sẽ trở thành sự thật.

Chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Phải thừa nhận rằng, mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số nói chung và trong doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng là chủ thể phát triển mạnh mẽ hơn so với trước đó. Bởi vậy, trong Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu cụ thể là tới năm 2025, 100% doanh nghiệp tiếp cận và nhận thức về chuyển đổi số, trong đó có 100 nghìn doanh nghiệp nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ chương trình và 100 doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.

Mục tiêu này thực tế là khá tham vọng khi đặt trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà và chỉ còn bốn năm nữa để hành động, trong khi thời gian trung bình để một doanh nghiệp số hóa các quy trình là hai năm.

“Để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số cần cho họ hai thứ: con cá và cái cần. Trong đó, con cá giống như mồi câu, cho họ nhìn thấy lợi ích trước mắt để sẵn sàng thay đổi. Ví dụ, nếu có chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp hay giảm 30% thuế VAT cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ số hóa hệ thống quản trị thì chắc chắn đây sẽ là cú huých lớn. Khi đã dẫn được họ vào rồi thì tiếp tục mang đến cho họ “cái cần” – nghĩa là chính sách từ chính phủ, tức là các ưu đãi hay hỗ trợ, đào tạo để họ có thể chuyển đổi số nhanh hơn, tốt hơn” –ông Nguyễn Kim Hùng chỉ ra những vấn đề cần làm trước mắt.

Trong bối cảnh, doanh nghiệp vẫn nghĩ chuyển đổi số là chuyện to tát hoặc có những doanh nghiệp thậm chí không biết phải bắt đầu từ đâu giữa rất nhiều công nghệ được giới thiệu thì theo ông Cao Hoàng Anh – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI nên bắt đầu từ những cái nhỏ nhất và đi theo từng phần chứ không nên làm ồ ạt. Điều này bắt nguồn từ thực tiễn triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp của FSI, nghĩa là “đau ở đâu thì chữa ở đấy, vướng ở đâu thì gỡ ở đó”. Bởi không phải quy trình nào cũng số hóa được. Đơn cử khi thử nghiệm với quy trình bán hàng ERP của một vài doanh nghiệp, FSI từng rơi vào tình huống khi chưa áp dụng ERP doanh nghiệp chỉ cần ba kế toán nhưng khi có ERP, doanh nghiệp lại cần tới 10 kế toán chỉ để nhập dữ liệu.

“Doanh nghiệp có thể bắt đầu từ việc số hóa dữ liệu với các giấy tờ đầu vào. Bởi dữ liệu nội bộ của doanh nghiệp hiện tồn tại ở dạng vật lý rất tản mát, chưa được xâu chuỗi đồng bộ. Để số hóa quy trình của một doanh nghiệp thì cần bắt đầu từ dữ liệu, các bước tiếp theo mới hiệu quả” – ông Cao Hoàng Anh gợi ý.

Trong khi đó, Founder của BizFly Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, ở mảng bán hàng, doanh nghiệp có thể bắt đầu từ chuyển đổi ở quy mô nhỏ, nếu chưa từng bán hàng online thì mở một kênh bán trên Facebook, Instagram và dùng chatbot để giao tiếp với khách hàng. Điều này hoàn toàn có ý nghĩa khi hành vi khách hàng đang thay đổi và họ muốn có thể mua hàng mọi lúc, mọi nơi và nhiệm vụ của chuyển đổi số chính là tại mỗi điểm chạm đều có thể tiếp xúc và bán được hàng.

Chuyển đổi số là chìa khóa vàng trong thời kỳ phát triển mới của thế giới, nơi mà tài nguyên của nhân loại đã chuyển từ dầu mỏ sang dữ liệu. Quá trình này được ví như sự lột xác, mà ở đó “nếu không chuyển đổi số có thể doanh nghiệp vẫn tồn tại nhưng có thể phá sản nếu chuyển đổi số thất bại”. Bởi vậy, ông Nguyễn Kim Hùng cho rằng, “lãnh đạo cần xác định rõ nguồn lực, chiến lược phát triển, con đường kinh doanh của doanh nghiệp đã sẵn sàng để bước sang một giai đoạn mới hay chưa?” trước khi tiến tới xây dựng roadmap “lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình”.


Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại nằm ở tư duy của người lãnh đạo. Có tới 27,1% khách hàng của GetFly dù đã trả tiền nhưng lại không đồng ý triển khai hoạt động này tại doanh nghiệp mình, bởi quyết tâm của họ chưa đủ mạnh và những lo ngại về việc thay đổi quy trình làm việc cũng như minh bạch các dữ liệu của công ty.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Fouder & CEO Công ty CP Công nghệ Getfly Việt Nam


Chúng tôi xây dựng nền tảng quản trị doanh nghiệp có thể tích hợp với giải pháp của các đơn vị khác để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số từng phần. Với các modul riêng lẻ trong từng lĩnh vực cụ thể như chăm sóc khách hàng, tài chính kế toán, marketing… doanh nghiệp có thể xem xét, cần tới đâu sử dụng tới đó mà không nhất định phải đầu tư toàn bộ hệ thống. Điều này giúp giải quyết bài toán chi phí đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp.

Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA