Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 (Chương trình 68) đã được khởi xướng mạnh mẽ ở các địa phương, góp phần thúc đẩy năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiêp.
Nâng cao nhận thức, thúc đẩy hoạt động sáng tạo
Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Thanh cho biết, qua 5 năm triển khai Chương trình đã hỗ trợ việc bảo hộ sáng chế đối với 61 giải pháp kỹ thuật và công nghệ; triển khai áp dụng 11 sáng chế và giải pháp công nghệ khác; hỗ trợ quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ và khai thác thông tin sở hữu trí tuệ cho 09 trường đại học, viện nghiên cứu; hỗ trợ việc tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với 109 đặc sản địa phương mang địa danh…
Đặc biệt, các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đưa ra thị trường đã đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt. Ví dụ, nước mắm Phú Quốc đã được quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng đặc thù vì sản phẩm hiện nay chỉ được sản xuất và đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc (chấm dứt được tình trạng đưa sản phẩm về TP.Hồ Chí Minh đóng chai).
Qua khảo sát thực địa, đánh giá của các Hội đồng nghiệm thu và báo cáo của các đơn vị sản xuất và kinh doanh sản phẩm và địa phương cho thấy: Giá trị sản phẩm cam Vinh đã tăng lên hơn 50% sau khi chỉ dẫn địa lý được đăng bạ và quản lý; Giá bán các sản phẩm chè Mộc Châu có bao bì mang chỉ dẫn địa lý cao hơn từ 1,7 - 2 lần các sản phẩm cùng loại không có bao bì; Sản phẩm chè Tân Cương có bao bì mang chỉ dẫn địa lý có giá bán cao hơn khoảng 1,5 lần các sản phẩm cùng loại không có bao bì mang chỉ dẫn địa lý.
Đặc biệt, hệ thống tem nhãn mang chỉ dẫn địa lý đã được công ty chè Hoàng Bình (một công ty chè lớn của tỉnh Thái Nguyên) sử dụng rất hiệu quả; Các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn và gà đồi Yên thế được coi là 02 mô hình mẫu cho việc gắn kết giữa hoạt động KH&CN và sản xuất, phát triển sản phẩm của tỉnh Bắc Giang.
Cầu nối các tác giả sáng chế với các nhà đầu tư
Chương trình 68 như một cầu nối các tác giả sáng chế với các nhà đầu tư để thương mại hóa sáng chế, góp phần tích cực trong việc hình thành thị trường khoa học công nghệ, các vườn ươm và các hệ thông doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Tiêu biểu có thể kể tới kết quả thực hiện dự án áp dụng các sáng chế số 7430 và số 10277 của Đại học Bách khoa Hà Nội để xử lý môi trường tại làng nghề sản xuất miến và bánh đa tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Trước năm 2013, khi chưa triển khai dự án, những sản phẩm thải loại từ hoạt động sản xuất bánh đa, miến đã khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong khuôn khổ Chương trình, một dự án áp dụng sáng chế đã được xây dựng. Trường Đại học Bách khoa đã xây một bể chứa chất thải lớn, làm đường ống, tự động thu gom nước thải của tất cả các hộ gia đình làm nghề vào bể chứa, sau đó sử dụng chế phẩm và quy trình xử lý từ sáng chế để xử lý chất thải. Kết quả là môi trường nơi đây đã trở lại trong lành, nhân dân phấn khởi và hiện là mô hình mẫu cho các địa phương tham quan, học hỏi.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Trần Việt Thanh cũng thẳng thắn nhìn nhận, những thành công của Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ trên thực tế còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và nền kinh tế. Các hoạt động hỗ trợ bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ đến nay đã được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương, song còn dàn trải, manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp. Chương trình chưa trở thành hạt nhân thúc đẩy các hoạt động tạo lập, sử dụng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ của cả nước, chưa tạo được nhiều động lực cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp, cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học, R&D của các viện nghiên cứu và trường đại học.
Thứ trưởng cho biết, trong giai đoạn mới sẽ thay đổi phương thức tiếp cận và tuyển chọn dự án. Đặc biệt định hướng vào đẩy mạnh quản lý, khai thác tài sản trí tuệ cho các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Hiện Bộ KH&CN đang phối hợp chặt chẽ với Bộ phát triển Nông nghiệp và phát triển Nông thôn triển khai đề án xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam với mục tiêu đẩy mạnh và bảo hộ chặt chẽ sản phẩm nông sản trong và ngoài nước… để hoạt động phát triển tài sản trí tuệ của Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công trong thời gian tới.