Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đang nghiên cứu và triển khai một loạt các giải pháp, trong đó quan trọng nhất là xây dựng một Chương trình quốc gia về SHTT đến năm 2020, tầm nhìn 2030, biến SHTT thực sự trở thành tài sản quan trọng đối với sự phát triển của đất nước
Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đang nghiên cứu và triển khai một loạt các giải pháp, trong đó quan trọng nhất là xây dựng một Chương trình quốc gia về SHTT đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để định hướng phát triển cho toàn bộ hệ thống SHTT của Việt Nam nói chung và Cục SHTT nói riêng, biến SHTT thực sự trở thành tài sản quan trọng đối với sự phát triển của đất nước - Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh khẳng định nhân dịp kỷ niệm 33 năm thành lập Cục (29/7/1982-29/7/2015) diễn ra ngày 3/8/2015 tại Hà Nội.
Cục Sáng chế, tiền thân của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện nay, trực thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước ra đời cách đây 33 năm là dấu mốc quan trọng khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc thúc đẩy và khuyến khích các hoạt động sáng tạo, và bảo hộ quyền SHTT phục vụ công cuộc phát triển Đất nước. Đến nay, Cục SHTT đã trưởng thành vượt bậc và trở thành cơ quan đầu mối trong quản lý nhà nước về SHTT giúp Bộ trưởng Bộ KH&CN thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về SHTT và trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.
Những thành tích và đóng góp của Cục SHTT trong thời gian qua đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý: 3 Huân chương Lao động và nhiều cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều Bằng khen và danh hiệu thi đua của Bộ KH&CN.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Trần Việt Thanh khẳng định, SHTT là một công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế. Điều này, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện mạnh mẽ chính sách đổi mới nhằm cải cách và tăng cường mở cửa, làm nền tảng cho việc thực hiện các đột phá chiến lược. Sự kiện đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Bộ KH&CN tham gia đàm phán mới đây là minh chứng một cách sinh động về vai trò của quyền SHTT đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng kiêm Cục trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại hiện nay của Cục SHTT như tồn đọng trong xử lý đơn sở hữu công nghiệp, sự chậm trễ trong giải quyết khiếu nại về sở hữu công nghiệp, sự không thống nhất trong xử lý các vấn đề chuyên môn, tình trạng yếu kém của hệ thống thư viện điện tử sở hữu công nghiệp,…
Để khắc phục tình trạng này, Cục đang nghiên cứu và triển khai một loạt các giải pháp, trong đó quan trọng nhất là xây dựng một Chương trình quốc gia về SHTT đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Song song với đó, một loạt các giải pháp cụ thể hướng đến đổi mới tổ chức và hoạt động của Cục SHTT cũng sẽ được triển khai như: xây dựng Đề án phát triển tổng thể Cục SHTT; Đề án nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản trị và xử lý đơn tại Cục; Đề án tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho Cục SHTT, doanh nghiệp và xã hội; hoàn thiện cơ chế xử lý đơn, tiến tới khắc phục triệt để tình trạng tồn đơn; nâng cao vai trò quản lý nhà nước về SHTT của Cục.
Mai Hà