Ngày 18/10, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) đã họp phiên toàn thể và chuẩn bị đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn năm 2018.
Báo cáo tại phiên họp, ông Mai Thế Bình - Phó Giám đốc Quỹ Nafosted - cho biết, đợt I của năm 2018, trong thời gian nhận hồ sơ từ 15/8/2017 đến 29/9/2017, đã có 64 hồ sơ của 7 hội đồng ngành, liên ngành được tiếp nhận. Các hồ sơ này được gửi đến từ hội đồng liên ngành triết học, chính trị học, xã hội học; kinh tế học, luật học, sử học, khảo cổ học, tâm lý học, giáo dục học, văn học, ngôn ngữ học, văn hóa học, nghiên cứu nghệ thuật, thông tin đại chúng và truyền thông.
Thời gian qua, ngoài hai đợt tiếp nhận hồ sơ, quỹ còn hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học. Thông qua Quỹ, rất nhiều nhà khoa học đã được hỗ trợ đi dự hội thảo quốc tế.
“Đây là hình thức hỗ trợ nâng cao năng lực rất hiệu
quả cho các nhà khoa học” - ông Bình nói và bày tỏ mong muốn thông qua
các đợt nghiên cứu sẽ hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh của khoa học
xã hội và nhân văn, tương tự như khoa học tự nhiên; các nhóm nghiên cứu
mạnh, nhóm nghiên cứu liên ngành sẽ được hình thành để tập hợp đủ năng
lực giải quyết những vấn đề lớn, nhiệm vụ quốc gia.
Ông
Đỗ Tiến Dũng - Giám đốc Quỹ Nafosted - cho biết, từ năm 2017, quỹ triển
khai chương trình tài trợ cho khối xã hội dày hơn, khối lượng hoạt động
của quỹ và của các hội đồng ngành, liên ngành tăng. Quỹ bắt đầu nhận hồ
sơ xem xét tài trợ từ 2013, song từ năm 2017 bắt đầu nhận hồ sơ đánh
giá hai lần/năm.
“Việc tăng đợt đánh giá trong một năm giúp cho các nhà khoa học muốn nộp hồ sơ không cần chờ tới 1 năm mà chỉ cần 6 tháng để cập nhật hồ sơ, nộp hồ sơ hoặc xem xét lại hồ sơ để đăng ký lại” - ông Dũng nhấn mạnh.
Tại phiên họp, nhiều đại diện các hội đồng ngành đã đánh giá cao hoạt động của quỹ thời gian qua như tiến hành rất bài bản, nghiêm chỉnh, đảm bảo tính công khai, làm tăng uy tín của cơ quan quản lý quỹ. Các đề tài của Nafosted được đánh giá cao, số bài báo do quỹ tài trợ tăng nhiều, chiếm tỷ lệ lớn. Sự hỗ trợ từ Quỹ Nafosted đã giúp các nhà khoa học nâng cao năng lực, có cơ hội giao lưu, học hỏi quốc tế…
GS-TS Đặng Quang Minh - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - góp ý, thời gian tới, hội đồng quản lý quỹ cần đặt ra tiêu chí để các nhà khoa học mạnh dạn dấn thân nhằm có được những kết quả nghiên cứu mang tính đột phá, tính mới.
“Hiện nhiều đề tài vẫn mang tính tổng kết, mô tả bước đầu, chưa có nghiên cứu nào thực sự có tác động mới hay những vấn đề có tính lý luận trong khoa học. Nhìn chung các đề tài có tính an toàn, ví dụ về lý thuyết thì chỉ nói có lý thuyết nào, chứ không đi tới việc thảo luận lý thuyết. Có thể vì chúng ta chưa đi tới trình độ khái quát lý thuyết, chưa thể đi vào thảo luận, hoặc có thể vì chọn sự an toàn nên các nhà khoa học không nêu lên quan điểm” - GS Minh nhấn mạnh. Ông cũng đề nghị quỹ có chính sách khuyến khích nhà khoa học, tránh tình trạng nghiên cứu nhiều nhưng không hiệu quả.
Tại phiên họp, Ban quản lý quỹ cũng giới thiệu việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tiếp nhận hồ sơ, cập nhật lý lịch khoa học và phản biện hồ sơ online tới các hội đồng ngành và liên ngành. Từ năm 2016, quỹ đã nhận hồ sơ qua phương thức trực tuyến. Hai kỳ nộp hồ sơ của năm 2017 đã được tiếp nhận trên hệ thống OMS của quỹ - thuận tiện hơn so với trước đây, giúp các nhà khoa học không phải đi lại nhiều lần.
Ngay sau phiên họp toàn thể, các hội đồng ngành và liên ngành đã tiến hành họp phiên chuẩn bị rà soát điều kiện hồ sơ, đánh giá xét chọn.