Người người chat bot - nhà nhà chat bot
Chuyện chuẩn bị cho tương lai AI của doanh nghiệp nhỏ, vốn là đề tài đã được bàn cãi khá nhiều. AI cũng biết, sẽ đến một ngày, trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành xương sống của doanh nghiệp, giống như máy tính và phần mềm hiện nay. Nhưng chưa ai biết ngày đó lúc nào sẽ đến, và sự xoay chuyển của doanh nghiệp đối với câu chuyện này chỉ đang dừng ở mức… thử nghiệm.
Thử nghiệm đơn giản, và sôi nổi nhất hiện nay, chính là việc sử dụng một “con chat bot”. Chỉ cần tìm kiếm với từ khóa “chợ chat bot”, sẽ ra vô vàn lời chào mời hấp dẫn “hãy tăng doanh số bán hàng với chat bot miễn phí hoàn toàn…”. Chat bot, nôm na là một thuật toán nhúng vào trình duyệt tin nhắn trên Facebook hoặc các ứng dụng messenger khác nhau để có thể tự động trả lời những câu hỏi thường gặp.
Chẳng hạn, một con chatbot dành cho nhà hàng có thể chỉ đường, nhận đặt bàn, cung cấp thực đơn và giá cả mà không cần đến bất kỳ nhân viên nào. Đây được xem là một loại trí thông minh nhân tạo tương đối sơ khai, nhưng hiệu quả thì khá rõ ràng, vậy nên, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp có kinh doanh trên mạng đều đổ xô thực hiện loại chatbot này.
Đức Nguyễn, chàng CEO 27 tuổi của công ty Hekate – đơn vị làm chatbot cho hàng ngàn doanh nghiệp Việt tại cuộc gặp với người máy Sophia. Ảnh: NVCC
Trên diễn đàn công nghệ, người ta lập hẳn một chuỗi thông tin để chia sẻ cách tự xây dựng một con chatbot mà không cần đến chút kiến thức lập trình nào. Phiên bản chatbot của nước ngoài cũng có, các mô hình phát triển bởi doanh nghiệp lớn của Việt Nam như FPT hoặc Haravan cũng có, mà các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng không kém cạnh trong cuộc đua này.
Thống kê sơ bộ cho thấy, hầu hết chatbot được tạo ra đa phần giải quyết nhu cầu của các nhà hàng, quán cà phê và người bán hàng online. Các doanh nghiệp thì còn khá e dè và đang từng bước thử nghiệm công cụ tiếp thị kiểu mới này. Một doanh nghiệp giày dép khá lớn, sau nhiều lần tiếp cận, trao đổi và từng bước thử nghiệm thì quyết định… từ từ mới dùng tới. Dẫu sao, nhân công lao động ở Việt Nam cũng còn rẻ, và chuyện thông tin được tổ chức bài bản cho ứng dụng công nghệ cao lại là một bài toán khó.
Làm sao đừng bị bỏ lại trong thế giới trí tuệ nhân tạo?
Có hai lời khuyên từ các diễn đàn công nghệ lớn có thể áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với việc chuẩn bị cho “kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo”: tìm cách đứng trên vai người khổng lồ, và tập xem dữ liệu là tài sản quý nhất của mình.
Hiện nay, Amazon, Google, IBM, Facebook… đều đua nhau bỏ hết tỷ đô la Mỹ này đến tỷ đô la Mỹ khác, không chỉ để tự nghiên cứu các ứng dụng mới của trí tuệ nhân tạo, mà còn để đầu tư và mua lại các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng AI. Ai cũng muốn trở thành người dẫn đầu trong thế giới mới này. Mà muốn dẫn đầu, họ cần có… khách hàng, hay người sử dụng. Vậy việc đầu tiên, là đủ tỉnh táo để tận dụng hết những tài nguyên mà các ông lớn này đang cung cấp.
Chẳng hạn, trên mạng bắt đầu có những mô hình tự động hóa tiếp thị, có thể xác định thời điểm tốt nhất trong ngày để gửi một số loại email quảng cáo nhất định - hoặc có thể xác định cách tốt nhất để tách các dòng chủ đề email - bằng cách làm việc với hàng nghìn công ty thương mại điện tử. Khi một công ty thương mại điện tử mới nhỏ hơn bắt đầu sử dụng cùng một sản phẩm, họ có thể bắt đầu tận dụng dữ liệu đào tạo trong quá khứ này mà không phải tự tạo ra nó.
Điểm thứ hai, nhu cầu về dữ liệu là cơ sở hạ tầng dữ liệu vững chắc sẽ cần thiết cho sự phát triển AI trong tương lai. Các công cụ AI đòi hỏi một lượng dữ liệu dồi dào để “học”, vì vậy cách tốt nhất để các doanh nghiệp chuẩn bị cho tương lai với AI là đảm bảo dữ liệu của họ có thể dễ dàng truy xuất được bằng các định dạng tương thích. Có một cơ sở hạ tầng dữ liệu được sắp xếp hợp lý như một phần của DNA của một doanh nghiệp nhỏ là điều cuối cùng sẽ phục vụ cho tương lai của công ty.
Nói như ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập trang mạng Tiki.vn: “Trước đây tôi chẳng biết gì về trí tuệ nhân tạo, thứ duy nhất tôi biết là yêu cầu mọi người làm gì cũng phải giữ lại toàn bộ thông tin, chắc chắn sẽ có lúc dùng tới. Và bây giờ quyết định này đúng”.
Sau cùng, AI không phải là ma thuật - nó sẽ không giải quyết vấn đề kinh doanh ngay lập tức, mà là quá trình đầu tư dài hạn. Vậy nên, cứ bình tĩnh mà làm ăn trong kỷ nguyên AI vậy.