Hàng trăm nhà khoa học tại Viện Khoa học Indonesia (LIPI) đã biểu tình tại trụ sở Viện từ ngày 8/2 để phản đối kế hoạch cải tổ lớn tại cơ quan nghiên cứu khoa học lớn nhất nước này.
Tri Handoko và kế hoạch cải tổ tham vọng
Nguyên nhân của các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ này là kế hoạch cải tổ của tân Viện trưởng Viện Khoa học Indonesia, ông Laksana Tri Handoko vào đầu tháng 1/2019. Kế hoạch mới nằm trong “Quy định về Tổ chức và Hoạt động của LIPI 2019”, được ông Viện trưởng ký ngày 7/1/2019 dự định đưa ra việc tái cơ cấu tổ chức nhân sự của cơ quan này.
Theo chia sẻ của ông Handoko với báo giới, động thái này giúp các nhà khoa học Indonesia không phải gánh vác công việc hành chính bên ngoài chuyên môn, vốn làm cho hoạt động chuyên môn kém hiệu quả. “Với việc tái cấu trúc, chúng tôi sẽ giảm số nhân viên hành chính xuống. Thường có khoảng 10 hoặc hơn nữa các vị trí như vậy ở mỗi đơn vị công tác [tại LIPI], giờ sẽ giảm xuống chỉ còn 3. Các cơ quan nghiên cứu cần phải vận hành có hiệu quả.”
Mục tiêu của ông sẽ là tái bổ nhiệm các vị trí quản lý để tập trung ở một đầu mối chung. Theo đó, LIPI sẽ thuyên chuyển công tác của 1.420 trong số 1.771 nhân viên hành chính, chẳng hạn như thủ thư, từ các cơ quan nhỏ đến các trung tâm nghiên cứu chính của tổ chức và trụ sở chính của Viện tại Jakarta.
Viện trưởng LIPI Tri Handoko tin rằng những thay đổi mới sẽ giúp cơ quan này hoạt động hiệu quả hơn: “Ưu điểm là các nhà khoa học sẽ tập trung [vào công việc nghiên cứu]. Hoạt động quản lý hành chính cũng chuyên nghiệp hơn. Chúng ta cũng mở rộng cửa với các tài năng trẻ trở về công tác tại [Viện].” Mục đích của chính sách mới, theo ông, là hòng đạt mục tiêu đưa LIPI thành một trung tâm nghiên cứu ngang tầm quốc tế.
Phản ứng trái chiều
Nhưng nhiều nhà nghiên cứu tại LIPI, tập hợp từ nhiều trung tâm nghiên cứu trực thuộc trên khắp cả nước tức giận vì theo họ, Handoko đã không tham khảo ý kiến của các nhà khoa học lâu năm về ảnh hưởng có thể gây ra bởi việc tái cơ cấu với các trung tâm trực thuộc và các nhân viên làm việc tại đây.
Trong ba tuần qua, các thư chính thức đã được gửi đến nhân viên hành chính để thông báo việc họ có bị chuyển vị trí công tác hay không, động thái này khiến một nhóm các nhà nghiên cứu từ LIPI đã trực tiếp đến trụ sở Quốc hội Indonesia để đâm đơn khiếu nại trước Chủ tịch Hạ viện Bambang Soesatyo và Ủy ban Khoa học Công nghệ (Ủy ban VII) của Quốc hội.
Phát biểu tại Văn phòng Nghị viện Indonesia, Jakarta hôm 30/1, Syamsuddin Haris, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị LIPI và là một trong những người đứng đầu nhóm phản đối cải tổ cho rằng, động thái của người đứng đầu LIPI là “không có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng”. Theo ông, chính sách này làm suy giảm chức năng của LIPI từ cơ quan nghiên cứu khoa học thành một cơ quan chức năng đơn thuần. Chính sách cũng làm ảnh hưởng đến nhiều đơn vị trực thuộc Viện, trong đó là sự cắt giảm nhiều viên chức bậc 2 và bậc 3 (hệ thống viên chức quản lý tại Indonesia đi từ bậc (echelon) 4 đến 1, với bậc 1 cao nhất. Việc thăng bậc dựa trên thâm niên và bổ nhiệm chính thức), “lên đến 1500 người.”
Syamhuddin nêu ví dụ về cách chính sách mới làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan trực thuộc LIPI: Vườn Bách thảo Bogor là cơ quan nghiên cứu thực vật và giống cây trồng trực thuộc Viện. Dưới chính sách mới, hoạt động của Vườn sẽ chỉ tập trung vào 3 bộ phận là hành chính, phát triển vườn thực vật và nghiên cứu bảo tồn thực vật. “Việc tách rời chức năng nghiên cứu và phát triển làm suy giảm hoạt động của cả cơ quan, loại bỏ các chức năng khác như bảo tồn, nghiên cứu, giáo dục, du lịch và bảo vệ môi trường,” ông nói.
Những người biểu tình cũng nói rằng nhiều nhân viên hỗ trợ đã có gia đình ổn định và việc thuyên chuyển họ đến các thành phố hoặc trung tâm khác sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.
Đến ngày 8/2, một cuộc biểu tình đã diễn ra tại trụ sở Viện. Tri Handoko đã trực tiếp làm việc với nhóm biểu tình và đồng ý ký một bản cam kết được soạn sẵn bởi một số người biểu tình hứa sẽ tạm thời hoãn việc tái tổ chức, và thành lập một nhóm để đánh giá việc tái tổ chức và đưa các nhà khoa học LIPI vào các cuộc thảo luận trong tương lai liên quan đến việc tái cấu trúc. Tuy vậy, đến ngày 18/2, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục nhằm trực tiếp đòi ông từ chức.
Vấn đề là phân bổ nguồn lực
Phản hồi trước nhật báo Kompas và Tempo về vụ việc, Viện trưởng Tri Handoko khẳng định rằng “việc sa thải nhân viên là không có thực”. Ngoài ra, các biện pháp cải tổ cũng đã được xem xét và chấp thuận bởi Bộ Hành chính và Cải cách Thể chế Indonesia.
Trên Nature, Handoko khẳng định mình đã tham khảo ý kiến của các cấp phó về kế hoạch tái cấu trúc cơ quan và nhân viên hành chính được hỏi nơi nào họ muốn làm việc. Về nguyên tắc, không có sự di chuyển nhân viên đến các thành phố khác mà không có sự đồng ý của nhân viên – tuy vậy, ông thừa nhận rằng chi tiết về cách các nhân viên hành chính sẽ được tổ chức lại không được chia sẻ với chính các nhân viên đó.
Tuy vậy, ông khẳng định việc cải tổ hệ thống là không thể tránh khỏi bởi tình trạng phân bổ nguồn lực tại Viện chưa đi đúng hướng: “Hiện nay, 60% chi ngân sách [của LIPI] là dành cho hành chính. Với việc cải tổ lần này, (…) ta có thể đảm bảo 100% tiền sẽ dành cho nghiên cứu.” Việc nâng cao hiệu quả, theo ông, sẽ giúp LIPI xin thêm ngân sách từ trung ương, cũng như hỗ trợ các nhà nghiên cứu xin được tài trợ từ bên ngoài.
Phân bổ nguồn lực kém hiệu quả là thực tế chung của hệ thống khoa học tại Indonesia. Tình trạng này do đó cũng là nguy cơ đe dọa hiệu quả kế hoạch “Indonesia 4.0” mà Chính phủ nước này mới khởi động hồi năm ngoái.
Ví dụ như trong năm 2018, Indonesia chi khoảng 24,9 nghìn tỷ rupiah (41 nghìn tỷ đồng) cho hoạt động nghiên cứu (R&D), xấp xỉ 0,2% GDP toàn quốc. Con số này bị chia nhỏ về nhiều trung tâm và viện nghiên cứu, trong đó riêng LIPI nhận khoảng 1,4 nghìn tỷ rupiah (gần 2,5 nghìn tỷ đồng). Riêng Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Đào tạo bậc cao (Ristekdikti) – cơ quan chính quản lý các hoạt động khoa học ở Indonesia – có ngân sách khoảng 41,3 nghìn tỷ rupiah (68 nghìn tỷ đồng). Các con số này đôi khi được tính chung vào nhau để biểu thị mức “đầu tư nghiên cứu” quốc gia, nhưng thực tế chỉ 4,2% ngân sách Bộ này thực sự dành cho nghiên cứu – phần lớn được chi vào hoạt động khác như điều hành và quản lý.
Chính phủ Indonesia cũng nhận ra vấn đề này nên yêu cầu “tập trung phân bổ nguồn lực” đang được đưa ra thường xuyên. Tổng thống Joko Widodo trong mấy năm gần đây thường xuyên nói về việc phải đầu tư có trọng điểm, trong đó có khoa học: “Khắp các bộ ban ngành đều có bộ phận nghiên cứu phát triển (…) Nếu không tập trung lại thì [hiệu quả] sao nhìn thấy được,” ông phát biểu trong một cuộc họp các bộ trưởng hồi tháng 4/2018.
Nỗ lực cải tổ của Viện trưởng Tri Handoko do đó có thể xem nỗ lực mới nhất để hiện thực hóa yêu cầu này. Nhưng các trở lực từ hệ thống là rất lớn. Các nỗ lực cải tổ của các Viện trưởng trước đây đều có kết quả là việc mở rộng thay vì thu hẹp bộ máy, theo tờ Kompas.
Dư luận cũng là một vấn đề. Tuần trước, CEO của tập đoàn bán lẻ online Bukalapak, Achmad Zaky trên Twitter đã so sánh sự thua kém trong đầu tư R&D quốc gia so với các nước trong khu vực, đồng thời viết rằng “Mong là tổng thống mới sẽ giải quyết được”. Bị cho là thiếu nhạy cảm chính trị trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần, phát ngôn này đã bị chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội và Achmad sau đó lập tức phải xin lỗi trên báo chí.
Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu Indonesia, nhiều người trong số họ là các nhà khoa học trẻ làm việc ở nước ngoài hay mới về nước, ủng hộ các kế hoạch của Handoko. Adi Nurhadiyatna, một chuyên gia tin học tại LIPI hiện đang làm Tiến sĩ tại Đại học Zagreb – Croatia, trả lời với Nature cho rằng việc tái cấu trúc sẽ giúp hoạt động nghiên cứu ở Indonesia hiệu quả hơn. “Mục tiêu là rất tốt vì các nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào nghiên cứu hơn là công việc hành chính”, anh nói.
Laksana Tri Handoko
Sinh ngày 7/5/1968 tại Malang, Đông Java, Indonesia. Học đại học và cao học tại Nhật Bản. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản, chuyên ngành vật lý.
Bắt đầu làm việc tại LIPI từ năm 2002. Từ năm 2002 đến 2012 là trưởng nhóm Nghiên cứu Lý thuyết và Vật lý Tin học tại Trung tâm Nghiên cứu Vật lý Indonesia. Từ năm 2012 đến 2014, ông là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học thông tin, sau đó là Phó Giám đốc Khoa học Kỹ thuật LIPI từ 2014 đến 2017.
Tri Handoko nhậm chức Viện trưởng LIPI vào ngày 31/5/2018, thay thế quyền Viện trưởng Bambang Subiyanto hồi tháng 12/2017 sau một cuộc bỏ phiếu công khai.
Ngoài hoạt động chuyên môn, ông còn là Giáo sư thỉnh giảng Vật lý tại Học viện Nông nghiệp Bogor, và sau đó là Khoa Vật Lý, Đại học Quốc gia Indonesia (UI). |