Theo các nhà khoa học, nếu ai đó chỉ sử dụng 10% não thì chắc chắn là họ đang được nối với máy thở.
Năm 1936, nhà văn Mỹ Lowell Thomas viết trong phần giới thiệu về cuốn sách “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie như sau: “Giáo sư William James ở Harvard từng nói rằng một người bình thường chỉ phát huy 10% khả năng trí tuệ tiềm ẩn của mình”.
Sau này, nhiều người thường xuyên nhắc lại câu nói đó nhưng diễn đạt theo hướng con người chỉ sử dụng 10% não bộ.
Chưa rõ Giáo sư James, người được coi là cha đẻ ngành tâm lý học Mỹ, có phát ngôn như được Lowell Thomas trích dẫn hay không, nhưng chắc chắn đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Các nhà khoa học thần kinh cho biết chúng ta luôn sử dụng toàn bộ não của mình, và ý tưởng trên là một giai thoại ngớ ngẩn.
Ví dụ, không rõ con số 10% trong phát ngôn được lan truyền nói tới thể tích não hay 10% lượng năng lượng được chuyển hóa, 10% hoạt động điện, hay là lượng ô xy trong máu não. Theo các nhà khoa học, nếu ai đó chỉ sử dụng 10% não thì chắc chắn là họ đang được nối với máy thở.
Có thể ví hoạt động của não giống như tim khi cơ thể nghỉ ngơi, khi đó tim vẫn đập dù không hoạt động hết công suất. Tương tự, toàn bộ não và các tế bào thần kinh trong đó vẫn luôn hoạt động dù chỉ ở mức cơ bản.
Mặc dù não được chia thành các vùng riêng biệt, nhưng không vùng nào hoạt động đơn lẻ cả. Vậy làm thế nào để ta biết những vùng não nào đang hoạt động? Công cụ tốt nhất để đo hoạt động não là chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), qua đó xác định được các thay đổi trong lưu lượng máu não và chỉ ra vùng nào đang ngốn nhiều năng lượng. Các nhà khoa học cho rằng phần nào nhận nhiều máu tức là đang sử dụng nhiều năng lượng hơn để hoạt động về điều mà người đó đang nghĩ tới.
Khi ta thực hiện một kỹ năng nào đó, trong não sẽ xuất hiện một số thay đổi quan sát được. Trước hết, mô não liên quan tới vùng của kỹ năng đó trở nên lớn hơn. Có thể sự phát triển này là do các tế bào thần kinh phân nhánh để kết nối với tế bào thần kinh cạnh đó, hoặc vì mạch máu phát triển hơn để giúp tăng lưu lượng máu. Cùng lúc đó, khi thực hiện một kỹ năng ta đã thành thạo thì não hoạt động càng hiệu quả hơn và cần ít năng lượng hơn.
Năng lượng tinh thần - hay nỗ lực có ý thức để hoàn thành một nhiệm vụ - là một cách hữu hiệu khác để một người đo lường mức độ sử dụng não của mình. Nhưng đây là một phép đo chủ quan vì không thể tính toán năng lượng tinh thần bằng các phép đo khoa học.
Erin Hecht, Phó giáo sư về khoa học thần kinh tiến hóa tại Đại học Harvard, nói: "Tôi cho rằng có cách hay hơn để nghĩ về điều đó: Bạn có biết năng lực của mình là gì không? Bạn có thể làm gì để khai thác nhiều hơn tiềm năng của mình? Tôi nghĩ câu trả lời là hãy chăm chỉ luyện tập bất kỳ kỹ năng nào mà bạn đang đam mê."
Rốt cuộc, ý kiến cho rằng chúng ta chỉ sử dụng 10% não không chỉ sai mà còn không có ý nghĩa mấy. Sau một chấn thương gây suy nhược hoặc đột quỵ, một số người có thể hồi phục khả năng khi các phần não khác gánh lấy chức năng mà vùng bị tổn thương từng đảm nhiệm. Não vô cùng linh hoạt, ngay cả khi một phần của não bị tổn thương hay phải cắt bỏ, nó vẫn tìm được cách để hoạt động hết công suất.
Nguồn: