Mới đây, Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi và Vụ Phát triển KH&CN Địa phương phối hợp với Sở KH&CN Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra tiến độ một số dự án do Trung ương quản lý thuộc Chương trình nông thôn miền núi được Bộ KH&CN phê duyệt đang thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại thời điểm kiểm tra, dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất dược liệu Cúc hoa vàng và Giảo cổ lam theo GACP lấy nguyên liệu sản xuất trà thảo mộc tại Vĩnh Phúc” do Công ty Cổ phần nông sản thực phẩm và bao bì Vĩnh Phúc thực hiện từ tháng 12/2018, Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội chuyển giao công nghệ. Đến nay đã đào tạo 10 kỹ thuật viên về các quy trình thu, hái, sơ chế dược liệu và cúc hoa vàng cho dự án; triển khai nhân giống 0,1ha và trồng 0,5ha cúc hoa vàng; xây dựng hệ thống sơ chế, lò sấy dược liệu.
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Biofloc của Israel trong nuôi siêu thâm canh cá Rô phi, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao ở Vĩnh Phúc” do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hoàng Hải thực hiện, đến nay đã tiếp nhận 4 quy trình công nghệ Biofloc, đào tạo 5 kỹ thuật viên và tiến hành xây dựng mô hình gồm 5 ao tại xã Trung Mỹ huyện Bình Xuyên, với hệ thống cảnh báo môi trường tự động riêng, mỗi ao đều có quạt nước và máy sục khí. Công nghệ biofloc kết hợp mật độ thả cao, kiểm soát tỉ lệ C/N và sục khí đủ để duy trì các hạt flocs lơ lửng, giúp kiểm soát chất lượng nước (cụ thể là NH3 và NO2-). Trong các ao nuôi truyền thống, lượng chất thải trong quá trình nuôi tích tụ thành bùn đáy ao, phải thải bỏ ra môi trường thì trong hệ thống biofloc lại được các vi khuẩn sử dụng và trở thành thức ăn, giúp giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.
Đối với dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá tầm Xiberi thương phẩm tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc” được thực hiện từ tháng 11/2016, do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bền vững Hải Yến thực hiện. Tại mô hình tập trung: đến nay đã xây dựng và sửa chữa tổng 18 bể nuôi với diện tích mỗi bể là 150m3. Tiến hành thả 50.000 con cá giống tại mô hình tập trung, sau 1 năm nuôi cá có trọng lượng trên 1,5kg/con. Đã thu hoạch 60 tấn, số còn lại trong bể ước đạt trên 10 tấn. Tại mô hình nuôi cá tầm thương phẩm trong dân, đơn vị thực hiện tiến hành mô hình tại Tây Thiên. Do nhiệt độ của nước nóng hơn nên cá phát sinh nhiều bệnh, thời gian nuôi thích hợp từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau. Đơn vị thực hiện đang tiếp tục nghiên cứu phương pháp tối ưu để môi trường nuôi cá thích hợp nhất.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực tế và kiểm tra hồ sơ, chứng từ của các dự án, Đoàn kiểm tra đề nghị các đơn vị chủ trì dự án đẩy mạnh việc thực hiện các nội dung còn lại theo đúng tiến độ mà thuyết minh đã được phê duyệt, hoàn thiện hồ sơ liên quan, tiến hành nghiệm thu các cấp khi đã đủ điều kiện. Đồng thời tích cực tuyên truyền sâu rộng để nhân rộng mô hình sau khi kết thúc dự án.
(Sở KH&CN Vĩnh Phúc)