Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại cho người nông dân hiệu quả lớn, không ít trang trại có doanh thu hơn 10 triệu USD/năm. Mặc dù vậy, trước nông nghiệp 4.0, người nông dân còn nhiều trăn trở.
Triệu USD từ nông nghiệp
Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu, đưa công nghệ cao vào sản xuất đã mang lại cho bà con nông dân những bước phát triển ngoạn mục. Chia sẻ câu chuyện thành công từ nông nghiệp, ông Nguyễn Công Thừa - Chủ nhiệm HTX Anh Đào, trụ sở ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, HTX đang áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới và áp dụng thiết bị tự động hóa vào tưới tiêu.
Hiện HTX đang trồng rau quả VietGAP cung cấp cho các hệ thống siêu thị khắp cả nước và xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ bình quân 50.000 tấn trong nước và 4.000 tấn xuất khẩu. Doanh thu hơn 10 triệu USD/năm.
Là một trong những nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015, ông Phạm Năng Thành (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, ông đang trồng trực tiếp 200ha chuối tiêu hồng, chuối tây.
Đến nay, ông Thành đã xây dựng thành công thương hiệu chuối 3T, đưa chuối vào hệ thống siêu thị, xuất khẩu chuối sang Trung Quốc và đang hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật, châu Âu. Trung bình mỗi năm, công ty của ông đạt doanh thu gần 30 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 40 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (Long An) chia sẻ thêm về thực tế ứng dụng công nghệ vào sản xuất tại trang trại: “Ở trang trại của chúng tôi, việc nuôi bò đều đã được cơ giới hoá. Chúng tôi đang tìm cách ứng dụng thêm công nghệ số để tự động hoá thức ăn, nguồn dinh dưỡng cho bò. Với con tôm cũng vậy, toàn bộ các khâu trong sản xuất đều ứng dụng công nghệ máy móc để đo nhiệt độ, sự sinh trưởng, chỉ số hoá lý môi trường nước.
“Qua thực tế, việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ rất nhiều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe do nước ngoài đề ra” - ông Huy cho hay. Được biết, ông Huy là người đi khai hoang nổi tiếng ở vùng Nam Bộ, hiện canh tác khoảng 1.000ha đất nông nghiệp ở 6 tỉnh khác nhau.
Ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Phương, giới thiệu 2 công nghệ hỗ trợ cho bà con nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thiết bị bay không người lái giúp giảm chi phí trong quá trình nông dân bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật,... Sử dụng thiết bị này không chỉ giải phóng sức lao động, mà còn tránh ảnh hưởng tới sức khoẻ người sử dụng, bảo vệ môi trường. Thực tế, với những diện tích lớn thì thiết bị bay này được áp dụng rất nhiều cho sản xuất nông nghiệp.
Thứ 2 là ứng dụng công nghệ vào việc truy xuất nguồn gốc chống hàng giả. Phần mềm liên quan đến việc truy xuất này, rất có lợi cho nông dân khi sản phẩm được đưa ra thị trường. Với chủ trương áp dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, chúng ta đáp ứng được một vài khâu trong công nghệ 4.0 sẽ làm giá trị sản phẩm được nâng cao rõ rệt.
Gặp khó trước 4.0
Mặc dù đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, song không ít người nông dân vẫn băn khoăn trước 4.0.
“Thời gian qua tôi cũng đã nghe nói đến Nông nghiệp 4.0, nhưng chưa thực sự hiểu đó là gì? Nó có gì khác so với nông nghiệp công nghệ cao mà chúng tôi đang áp dụng? Nếu áp dụng vào, Nông nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những bước đột phá ra sao?”, ông Nguyễn Công Thừa đặt câu hỏi.
Không ít người dân còn lo lắng trước việc tiếp cận 4.0 như thế nào. Bà Lành Thị Triều, nông dân huyện Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) băn khoăn: “Hiện gia đình tôi đang chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP, diện tích 10ha, số lượng lên tới 300 heo nái, 3.000 heo thịt và lợi nhuận đạt 7,2 tỷ đồng/năm. Vậy với những nông dân như tôi, muốn học hỏi về ứng dụng công nghệ thì phải gặp ai? Ứng dụng những công nghệ đó vào thực tế sản xuất thì phải làm thế nào?”
Với những thông tin cơ bản được chia sẻ về nông nghiệp 4.0, ông Trần Nguyễn Hồ - nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2014 (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ thêm: “Khi chúng ta phấn đấu làm theo cách sản xuất mới, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề khó và là cái chúng tôi phải hết sức phấn đấu. Liệu rằng trong ứng dụng nông nghiệp 4.0 sắp tới, với hàng loạt đòi hỏi lớn hơn về khoa học, công nghệ, vốn, kiến thức,... liệu có phải quá sức đối với nông dân chúng tôi hay không?”, ông nói.
"Gia đình tôi chuyên chăn nuôi chim cút với tổng đàn 500.000 con theo hướng không sử dụng kháng sinh và hướng thực phẩm hữu cơ. 3/4 lượng sản phẩm hàng tháng bán cho thị trường Nhật Bản, còn lại bán trong nước", ông Hồ Quan Huy cho hay.
Theo ông Huy, điều ông gặp khó khăn khi ứng dụng công nghệ cao là việc nhập khẩu các thiết bị rất đắt đỏ. “Tôi đã đi tham quan nhiều mô hình sản xuất ở nước ngoài và các hội chợ trưng bày, bán thiết bị. Chẳng hạn, sử dụng flycam để phun thuốc BVTV, hiệu quả rất cao nhưng giá thành lại đắt đỏ, gần 10.000 USD. Thêm nữa là nguồn nhân lực để sử dụng các thiết bị này cũng chưa đáp ứng được".
Trước những câu hỏi của nông dân, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, không nên tiếp cận kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 4.0 của các nước theo kiểu phong trào. Cũng không nhất thiết phải áp dụng tất cả các công nghệ của cách mạng nông nghiệp 4.0 này, mà cần phải hài hòa và phù hợp với đặc thù riêng của nước mình.
Ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, nhận định, thành công trong nông nghiệp công nghệ cao, ngoài đất đai, cơ chế, còn cái rất quan trọng là nguồn nhân lực, bắt đầu từ các nông dân. Hiện nay, nguồn lao động của nông thôn giảm đi rất nhiều. Việc này đòi hỏi nhiều người có trình độ tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao. Để làm được điều này, chúng ta phải đào tạo những người nông dân trên cơ sở thực tế.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Ipsard, nhận định: nông dân Việt Nam hãy chủ động bước vào nông nghiệp 4.0. Bởi cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 sẽ không vì nông dân Việt Nam chưa sẵn sàng mà dừng lại, nó vẫn quét qua và ảnh hưởng tới từng người.